Tôi hơn 30 tuổi, tức là người mà tác giả OBM nói là nằm trong "văn hóa" phong bì của đất nước mình. (Xem thêm: Cuộc đời buồn của bác sĩ không nhận phong bì )
Có thể nói trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực "văn hóa" này đang lan rộng. Nhưng tôi nghĩ, bác sĩ không nhận phong bì được nhiều hơn mất. Cái quý giá của bác sĩ đó là: y đức và mình khám bệnh, điều trị bệnh bằng cái tâm, thì bệnh nhân họ sẽ thấy yêu quý, trân trọng.
Không nhận phong bì sẽ thấy mình cao thượng, trí tuệ mình hanh thông hơn. Thực sự trong cuộc sống sẽ có luật nhân - quả. Sau này con cái, cháu chắt sẽ giỏi và tự lập trong cuộc sống, tự kiếm được đồng tiền bằng trí tuệ của mình, tự đi bằng đôi chân thay vì phải dùng gối.
Tôi thật vui khi có một bác sĩ như bác OBM và tôi chia sẻ bài này của bác với vợ tôi, cũng là một bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh Bắc Ninh. Tôi cũng nói với bác rằng còn có một bác sĩ không nhận phong bì nữa, đó là vợ tôi.
Chính vợ chồng tôi đưa ra quan điểm này ngay từ khi vợ đi làm. Tôi luôn nói với vợ rằng: đừng nhận bất kỳ vật chất gì từ bệnh nhân. Người bệnh đi viện là đã khốn khổ lắm rồi, họ cũng như bố mẹ, anh chị nhà mình, đi viện tốn kém đủ đường, nhận làm gì hãy để đức đó cho con cái.
Chắc vì thế nên vợ chồng tôi không có tiền, nhưng lúc nào cũng yêu quý nhau, lúc nào cũng có người sẵn sàng giúp đỡ mà hình như ông trời cũng thấu hiểu đã cho chúng tôi có một cháu gái, cháu trai. Giờ các cháu vẫn nhỏ, nhưng chúng rất thông minh, mọi người yêu thương. Đó là cái quý từ việc không nhận phong bì vậy.
Hy vọng trong tất cả các ngành nghề đừng phát triển "văn hóa" phong bì, mà hãy phát triển cái óc, trí tuệ, đi bằng đôi chân thực chứ đừng bằng đầu gối.
Nguyễn Thế Đáp
Chia sẻ bài viết về y đức bác sĩ tại đây.