Gia đình tôi định cư tại Mỹ hồi tháng 4, quá trễ để con tôi vào học trường tại đây vì 31/5 là tất cả các trường đều nghỉ hè.
Con bé học chưa hết hẳn lớp 2 ở Việt Nam nên gia đình cũng không biết liệu nó sẽ học lại lớp 2 hay học tiếp lớp 3.
Đầu tháng 6, văn phòng của trường làm việc lại. Chúng tôi vào hỏi những thủ tục như thế nào. Người tiếp chúng tôi chỉ là office manager (phụ trách văn phòng) thôi, nhưng thật bất ngờ khi cô ấy đủ tư cách để quyết định.
Sau khi xem qua học bạ ở Việt Nam với năm học lớp 2 chỉ có học kỳ 1, cô ấy phán luôn: con bé sẽ học lớp 3 tiếp tục.
Những giấy tờ kèm theo phải có rất đơn giản: giấy chứng nhận chích ngừa, biên lai tiền điện, nước, hoặc internet chứng minh mình có ở cùng thành phố với trường, và . . . hết. Không cần hộ khẩu hoặc những thứ khác như ở Việt Nam.
Họ cũng chẳng quan tâm mình là công dân (đã vào quốc tịch) hay thường trú nhân (thẻ xanh) gì hết. Khi họ biết mình từ Việt Nam và biết yêu cầu của mình là con bé cần học thêm nhiều hơn về tiếng Anh, cô ấy nói luôn sẽ có một giáo viên dạy riêng cho con bé về ESL (English as a Second Language: tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai).
Cuối cùng thì họ cho thời khóa biểu của cả năm và cô ấy rất nhiệt tình. Quá đơn giản và không hề nhắc đến tiền, trừ tiền ăn.
Tiền ăn là 2,5USD một buổi trưa (gồm nhiều món, đủ chất, cả sữa và trái cây). Ăn buổi nào tính buổi nấy và tính vào tài khoản của bố mẹ (bố mẹ phải tạo một tài khoản riêng cho trường).
Nói vậy chứ không phải ai cũng bị tính tiền. Con bé nhà tôi được miễn phí hoàn toàn chỉ sau khi chúng tôi điền vài chữ vào đơn của trường. Những đứa trẻ khác đem đồ ăn từ nhà vô, còn lại mới ăn của trường.
Còn chuyện đóng tiền phụ huynh ở đây cũng có nhưng với hình thức khác. Đó là họ bán những vật lưu niệm của trường, thường nhất là áo thun truyền thống của trường, nhưng không bắt buộc phải mua. Đây là hình thức góp tiền quỹ cho trường: PTO (Parent-Teacher Organization).
Trường mang tính xã hội hóa rất cao. Chúng tôi thích nhất là cảnh đưa đón con. Trong một tuần sẽ có những ngày cảnh sát mặc đồng phục, hoặc lính cứu hỏa, hoặc là các em học sinh trung học đứng đón các bé từ trên xe bước xuống. Những ngày còn lại là các giáo viên đứng lớp phải làm nhiệm vụ đó, kể cả cô hiệu trưởng.
Ngoài ra, trường còn tổ chức buổi ăn của ông bà với cháu hoặc những buổi nói chuyện giữa giáo viên của trường với ba mẹ về cách dạy con tại nhà. Hoạt động này hầu như mỗi tháng một lần. Và nơi tổ chức cho việc này là căng tin, vì nơi này giống như một sân khấu, đầy đủ thiết bị nghe nhìn.
Trên đây là những mặt tích cực về hình thức của hệ thống giáo dục của Mỹ. Chúng tôi chưa bàn đến vấn đề nội dung, hẹn lại một dịp khác. Tuy nhiên, cũng có cái gây bất lợi, không tiện cho bản thân chúng tôi thôi vì đã quen kiểu Việt Nam. Nhất là việc đón con quá sớm: 3 giờ trưa.
Nói như vậy có nghĩa là mình phải có mặt ở trường sớm ít nhất là 20 phút nếu không muốn bị xếp hàng tuốt đàng sau. Ngày đầu tiên, do không biết, mãi đến 3 giờ 30 phút chiều chúng tôi mới rước được con bé lên xe. Trường cũng có hệ thống school bus (xe buýt đưa đón học sinh) rất tiện nghi và miễn phí hoàn toàn. Nhưng vì con bé còn lạ nước lạ cái nên chúng tôi phải đưa đón như vậy.
Tôi đọc mấy bài báo bên nước mình, nghe phụ huynh ta thán về chuyện đóng tiền quá cao, nhất là gia đình có nhiều con đi học. Tôi chạnh lòng lắm khi nghĩ về họ. Tôi ước ao phải chi mấy vị lãnh đạo nhà mình đi Tây nhiều, bắt chước họ một chút thôi cũng đỡ đần cho dân mình nhiều lắm.
Minh Biên
Chia sẻ những câu chuyện giáo dục ở nước ngoài của bạn tại đây.