Đọc bài của bác sĩ Hồng Quảng Đức tôi rất tán thành. Tuy nhiên để làm được như mong muốn của bài viết thật khó khăn. Hầu như là không thể vì nó cần sự phối hợp của toàn xã hội trong một quá trình bền bỉ và lâu dài. Trong điều kiện ở nước ta khó mà thực hiện được. Ở nước ta có nhiều việc rất dễ mà không bao giờ làm được.
Tôi lấy ví dụ đội mũ xe máy. Rõ ràng khi đi xe máy, đội mũ bảo hiểm là rất tốt cho người lái. Nhà nước cũng đã mất bao công sức, tiền bạc bắt buộc, tuyên truyền và vận động người dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Thậm chí xử phạt rất nặng nếu vi phạm. Nhưng nhiều người dân thực hiện lại mang tính đối phó và có khi còn tỏ ra chống đối: mua loại mũ rẻ tiền không đảm bảo, đội thì không cài quai, cậy quen biết này nọ để nghênh ngang đi xe máy không đội mũ tỏ ra ta là người hùng, chẳng biết sợ ai.
Những thói quen đó nó vận vào mọi hành vi khác trong cuộc sống. Kết quả là sớm muộn rồi cũng gặp rủi ro không khắc phục được. Nhẹ là bị thương. Nặng là mất mạng.
Một ví dụ nữa là học bơi. Cậu bé trong câu chuyện đã 20 tuổi mà không biết bơi. Tiếc quá. Học bơi không khó và không tốn thời gian, tiền bạc cho lắm. Nhưng rất ít ông bố bà mẹ nghĩ rằng cần thiết phải cho con cái mình học bơi.
Tôi nghĩ trẻ em ai cũng phải được dạy bơi. Người lớn ai cũng phải học bơi nếu chưa biết. Bởi vì trong cuộc đời mỗi người nhất định phải có lần xuống nước như đi tắm biển, tắm sông, hồ... Hoặc rủi ro đi tàu, đi xe bị ngã xuống sông, xuống vịnh, hố nước... Khi đó nếu biết bơi thì cơ hội sống sót sẽ cao hơn rất nhiều.
Tôi có chút suy nghĩ vậy để chia sẻ. Đề nghị bạn đọc bổ sung thêm.
An Bình