Sau khi VnExpress.net đăng bài ‘ Hơn 400 tấn vàng nguy cơ nằm 'chết' trong dân’, tòa soạn đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả. Nhiều người cho rằng số lượng vàng nằm “chết” trong dân nhiều đến như vậy là do người dân bị thiếu niềm tin. Trong thời buổi hiện nay, lạm phát cao, ngân hàng hoạt động trì trệ, kinh tế khủng hoảng thì việc cất giữ vàng có vẻ là lựa chọn thông minh nhất.
Bạn đọc Lê Vân cho rằng: “Nếu huy động được một nửa số vàng trong dân này thì ít nhất cũng có 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế, đây là một nguồn lực giúp đất nước vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, cần phải đảm bảo yếu tố ổn định cả về mặt chính sách vĩ mô lẫn điều kiện thực thi nhất quán, trên cơ sở cân đối giữa lợi ích của Nhà nước, tổ chức đầu tư, kinh doanh vàng cũng như người dân.”
“Nếu cứ đặt quyền lợi của dân sau cùng (như giá xăng, điện, gaz...) thì có vàng tôi cứ giữ trong tủ nhà mình cho nó lành. Vàng của dân, dân phải có lợi ích hàng đầu. Như vậy mới mong người nắm vàng đem chúng ra dùng.”
Cùng quan điểm này, độc giả Phung Khanh giãi bày: “Những người dân bình thường như chúng tôi, bao năm lao động tích cóp được ít tiền để chuẩn bị làm nhà, chuẩn bị cho con cái, rồi lo cho tuổi già ... Vậy mà gửi tiết kiệm vào ngân hàng rồi chỉ trong thời gian giá trị đã bị bốc hơi. Thực sự xót xa mà chẳng thể làm gì, chẳng biết kêu ai."
"Không tin tưởng vào việc gửi tiết kiệm đành mua ít vàng cho an toàn, rồi cũng do chính sách điều hành quản lý vàng, cuối cùng người dân cũng thua thiệt. Muốn điều hành gì trước hết hãy nghĩ đến hàng triệu người dân lao động bình thường. Chúng tôi thật khó mong được lợi gì ở việc điều chỉnh các chính sách như vừa rồi, chỉ mong được bảo toàn giá trị sức lao động của mình đã bỏ ra.”
Độc giả Hoàng Huy đề nghị: “Không được dùng mệnh lệnh hành chính để làm méo mó hoạt động mua bán vàng. Hãy để cho cơ chế thị trường quyết định. Người dân sẽ tự quyết định dự trữ tài sản của mình theo cách nào, miễn là nó mang lại lợi ích. Ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, phải có chiến lược phù hợp nếu muốn huy động vàng để làm lợi cho hoạt động kinh doanh của mình.”
Nếu huy động hết lượng vàng "chết" trong dân, nhà nước sẽ có 20 tỷ đô đưa vào phát triển kinh tế. Ảnh minh họa: Internet |
Trong bối cảnh bây giờ, độc giả Phương Nam cho rằng huy động vàng trong dân là phương án bất trắc: "Với tình hình suy thoái kinh tế hiện nay (và chắc chắn còn kéo dài), mọi đồng tiền đều mất giá (cho dù đó là USD hay EUR ...). Trong khi tất các tổ chức đầu tư lớn trên thế giới, kể cả các quốc gia đều mua vàng dự trữ, thì việc huy động vàng trong dân để mua USD là một phương án có quá nhiều rủi ro và không có tầm nhìn xa."
"Giả sử huy động được toàn bộ số vàng trong dân và đổi ra ngoại tệ theo giá hiện nay 1.790 USD sẽ được khoảng 20 tỷ USD, bây giờ đầu tư vào đâu cho hiệu quả trong thời buổi suy thoái kinh tế hiện nay trong khi hiện tại ngay cả các ngân hàng đều ứ đọng nguồn vốn?"
"Suy đi tính lại, chỉ thấy vàng là kênh đầu tư hiệu quả nhất, thế là phải mua lại vàng, nhưng số tiền trên đã thất thoát phần lớn. Trong khi đó giá vàng đã lên rất cao tới trên 2.000 USD. Lúc này hối hận đã quá muộn, rồi đến đợt suy thoái kinh tế tiếp theo sẽ nghiêm trọng hơn lần trước, các nước yếu đều có nguy cơ vỡ nợ. Khi đó vàng trong dân đã hết, hậu quả tiếp theo như thế nào chắc chắn mọi người sẽ hình dung được."
"Như vậy tôi thấy, hiện nay tốt nhất là nên khuyến khích người dân tích lũy vàng và nhà nước cũng nên mua vàng tích lũy như nhiều nước khác đang làm, để tránh rủi ro chứ không phải là tìm mọi cách để rút vàng ở trong dân".
Độc giả tên Ngân hiến kế: “Khi nền kinh tế thiếu ổn định thì người dân sẽ chọn giải pháp an toàn là tích trữ vàng. Muốn huy động vàng trong dân, việc cần làm là phải giảm được lạm phát, khôi phục thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó cần xóa bỏ thế độc quyền của vàng SJC. Nhiều người dân nắm giữ những loại vàng không phải của SJC thì bị phân biệt và mua giá thấp. Đây cũng là lý do người dân tiếp tục giữ vàng mà không bán."
Độc giả Minh Trí cho rằng việc gửi vàng vào ngân hàng là cực kỳ cần thiết. Đây là một biện pháp đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân, tránh xảy ra tình trạng trộm cướp. Tuy nhiên muốn thu hút người dân gửi vàng thì phải xem vàng như là một phương tiện thanh toán. Phải có lợi nhuận thì người dân mới gửi. Theo quy định của Nhà nước hiện nay thì người gửi vàng còn phải nộp một khoản phí khi kí gửi tại ngân hàng mà không được nhận lãi suất. Đây là điều cực kỳ bất hợp lý.
Bạn đọc Nghiêm Đức Thuấn kết luận: “ Theo tôi, nếu có hoạt động kinh doanh nào an toàn và lãi suất cao hơn sự tăng giá của vàng thì đa số người dân sẽ bán vàng để đầu tư vào hoạt động này ngay. Không cần phải hô hào dân cũng bán.”
Độc giả Nguyễn Ngọc Chinh đề nghị nên lập lại Sàn Vàng: “ Nhìn ra thế giới, có rất nhiều quốc gia thành lập sàn vàng và hoạt động an toàn và hiệu quả khi kích thích được việc huy động vàng trong dân."
"Thiết nghĩ, đây là cách huy động và sử dụng vàng tốt nhất trong dân hơn là việc phát hành chứng chỉ vàng với mức lãi suất thấp. Người dân chỉ thực sự đầu tư khi thấy lợi ích cao từ việc gửi vàng tại Nhà nước."
Với tâm lý của người Việt Nam hiện nay thì họ thích tích lũy vàng để phòng rủi ro hơn là việc gửi vàng tại ngân hàng nếu việc gửi vàng không mang lợi lợi ích gì cho họ. Do đó, nhà nước nên có một cơ chế quản lý việc kinh doanh vàng chặt chẽ, tránh đầu cơ, kiểm soát giá hơn là cấm kinh doanh để rồi hơn 400 tấn vàng "chết" trong dân - độc giả này đề nghị.
Thạch Lam
Chia sẻ bài viết của bạn về kinh doanh, cất giữ vàng tại đây.