Tình trạng chống người thi hành công vụ (CNTHCV) có dấu hiệu ngày càng tăng, đặc biệt đối với các ngành như công an, kiểm lâm, thanh tra giao thông, quản lý thị trường…
Có những vụ hết sức nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an.
Dư luận nói chung rất lên án những kẻ côn đồ coi thường pháp luật và rất mong những kẻ CNTHCV phải bị xử lý nghiêm minh để bảo vệ kỷ cương phép nước.
Tuy nhiên như cha ông ta có nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, một phần nguyên nhân của tình trạng CNTHCV xuất phát từ chính những người có trách nhiệm thực thi công vụ. Người viết xin mạo muội trình bày một số nguyên nhân theo tìm hiểu của chính mình :
1.Thái độ ứng xử
Có không ít nhân viên công lực trong lúc thi hành công vụ có thái độ hết sức hách dịch, cửa quyền. Họ cho mình cái quyền được “làm cha” thiên hạ.
Gặp người dân vi phạm họ quát nạt, la mắng, thậm chí là văng tục rất thậm tệ. “Con giun xéo lắm cũng oằn”, huống chi là con người. Chính thái độ “vô lễ” này của các “đầy tớ” đã làm bùng phát những phản ứng tiêu cực từ người dân.
Trong 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân có câu "Đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép”. Thiết nghĩ điều này không chỉ dành riêng cho công an nhân dân mà phải là kim chỉ nam trong việc ứng xử của tất cả các lực lượng thực thi công vụ nói chung (như kiểm lâm, thuế vụ, quản lý thị trường, thanh tra giao thông…).
2. Phẩm chất đạo đức
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng một bộ phận những người thực thi công vụ đã đánh mất phẩm chất đạo đức, lối sống thiếu lành mạnh, có nhiều biểu hiện tiêu cực.
Họ lợi dụng quyền hạn được giao khi thi hành công vụ để trục lợi cá nhân. Cho nên dưới con mắt của nhiều người thì công chức, quan chức của một số ngành như cảnh sát giao thông, kiểm lâm, quản lý thị trường…là những kẻ “dễ ghét”.
Thậm chí hình ảnh tiêu cực của các lực lượng này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đến độ hễ nói đến cảnh sát giao thông là nhiều người nghĩ ngay đến mãi lộ, bảo kê xe vi phạm, còn nói đến kiểm lâm là nhiều người nghĩ đến đồng minh của bọn lâm tặc…
3. Thiếu bản lĩnh nghề nghiệp
Làm việc trong những môi trường nhạy cảm, tiếp xúc với nhiều đối tượng nguy hiểm nhưng có khá nhiều nhân viên công lực còn thiếu bản lĩnh nghề nghiệp.
Bản lĩnh nghề nghiệp ở đây là nói đến trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm nghề nghiệp và những kiến thức pháp luật có liên quan đến lĩnh vực mà mình đang thực thi.
Có không ít trường hợp CNTHCV xuất phát từ những xử lý thiếu nhất quán của người thi hành công vụ hoặc xử lý, vận dụng sai các quy định pháp lý liên quan đến hành vi vi phạm khiến người dân bức xúc.
Việc xử lý sai phạm lúng túng, thiếu dứt khoát cũng là điều kiện cho các đối tượng vi phạm lợi dụng làm tới.
4.Thiếu sự công bằng minh bạch
Tực ngữ có câu: “Mèo tha miếng thịt xôn xao. Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”. Những câu chuyện như thế trong cuộc sống chúng ta có thể bắt gặp bất kể ở nơi đâu.
Nhiều xe ben, xe tải chở quá tải bất chấp luật lệ (vì đã có bảo kê) gây kinh hoàng cho người dân, gây mất an toàn giao thông, hủy hoại đường sá thì chẳng sao. Người dân vẫn gặp một số xe biển xanh, biển đỏ vô tư vượt phải, vô tư chạy quá tốc độ thậm chí là chạy ngược chiều cũng không ai nhắc nhở...
Trong khi đó người dân đi xe máy chỉ cần không đội nón bảo hiểm, quên mua bảo hiểm cũng đã bị phạt te tua. Có đầu nậu buôn bán hàng ngàn cây thuốc lá lậu thì trót lọt một cách dễ dàng, nhưng một tiệm tạp hóa nhỏ nếu bị phát hiện “tàng trữ” ở khoảng dăm bảy gói đã phải chịu lập biên bản và chịu phạt.
5. Thiếu sự phối hợp hành động
Lẽ ra trong một số điều kiện công tác có nhiều sự phức tạp, các lực lượng thực thi hành công vụ cần phối hợp với các lực lượng chức năng khác để có thể hỗ trợ nhau hoặc tăng thêm sức mạnh để kịp thời đối phó với những hành vi CNTHCV của các đối tượng quá khích.
Ví dụ như cảnh sát giao thông khi lập chốt chặn hoặc truy đuổi các đối tượng vi phạm giao thông nên phối hợp với cảnh sát cơ động. Lực lượng kiểm lâm khi truy quét lâm tặc cần phối hợp với công an, chính quyền địa phương …
Thế nhưng trong thực tế có rất nhiều lực lượng khi thực thi nhiệm vụ vẫn cứ “đơn thương độc mã” nên khi gặp nguy hiểm thường không được sự hỗ trợ kịp thời .
6. Không được người dân ủng hộ
Đây chính là hệ quả tất yếu do nhũng nguyên nhân trên gây ra. Một khi người thực thi công vụ nào đó không có tư cách đạo đức tốt để dân nể, không có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp để dân phục, không tạo được niềm tin trong con mắt của người dân thì họ đã đánh mất đi một chỗ dựa vững chắc đó là sự ủng hộ của người dân trong công việc của mình.
Chính vì không có sự ủng hộ của người dân nên họ trở nên đơn độc và rất dễ bị những kẻ liều lĩnh tấn công.
Thiết nghĩ để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ bên cạnh những biện pháp cơ học và pháp lý, trong mỗi lực lượng thực thi công vụ cần có những cải cách, chấn chỉnh mạnh mẽ để cải thiện chất lượng cũng như hình ảnh của mình để mỗi con người, mỗi lực lượng không tạo nên yếu tố kích động nào đối với đối tượng mà mình tiếp xúc để thực thi công vụ.
Sáu điều dạy của Bác Hồ đối với công an nhân dân có lẽ cũng rất hữu ích đối với tất cả các lực lượng thực thi công vụ trên tất cả các lĩnh vực.
Tôi tin rằng nếu bất cứ ở đâu những người thực thi công công vụ cũng “cần kiệm liêm chính”, biết “cương quyết, khôn khéo”, biết “thương yêu, giúp đỡ” lẫn nhau, biết “kính trọng, lễ phép” với người dân, luôn tận tụy trong công việc thì tình trạng CNTHCV sẽ không còn là nỗi bức xúc và ám ảnh.
Lê Đại