Một số tuyến đường Hà Nội đang thực hiện đặt dải phân cách cứng. Cách làm này có tác dụng giáo dục rất tốt, tuy nhiên trong quá trình triển khai, xảy ra một số trường hợp tai nạn đáng tiếc ngoài mong muốn.
Bản thân tôi, mặc dù biết rõ là có các dải phân cách trên đường, nhiều lần tôi vẫn giật mình, do có xe đi đằng trước chắn toàn bộ tầm nhìn, do lơ đãng… Và cũng nhiều lần nhìn thấy những người va phải dải phân cách, đau đớn và thất vọng, nhưng họ lại cố gắng đứng dậy tiếp tục đi.
Dịp Tết vừa qua, nhân khi xem hài Táo quân có đề cập đến việc tai nạn hy hữu tại các dải phân cách làn đường, tôi có một vài ý kiến để giải quyết tình trạng trên, mong muốn được đóng góp một chút phần nhỏ bé giúp cho những người tham gia giao thông bớt đi những tai nạn không đáng có, ngành giao thông bớt được một vấn đề tuy nhỏ, nhưng cứ như cái gai đâm sâu trong da thịt mà vẫn chưa lấy ra được.
Tôi xin đề nghị một số biện pháp, mong rằng cơ quan chức năng thực hiện một hoặc một vài biện pháp để cảnh báo, giảm các tai nạn không đáng có này.
Cảnh báo từ dưới đường:
- Làm thêm các đoạn vạch giảm tốc độ (hơi gồ lên trên mặt đường) trước các đoạn có dải phân cách, chẳng hạn khi đi đến cách dải phân cách 10m, lái xe sẽ nhận thấy có điều bất ổn phía trước mặt, cần đi chậm lại, đến khoảng cách 5m, lại thêm một loạt vạch giảm tốc nữa, chắc chắn người tham gia giao thông sẽ nhận ra đó là cảnh báo gì.
- Hoặc cách khác cũng gần tương tự: đặt khoảng 2-3 cọc cao su cố định cao khoảng 80cm, thẳng một đoạn trước biển báo. Các cọc cao su này được gắn chặt xuống đường, được làm bằng chất liệu mềm, đảm bảo đàn hồi tốt và chịu được va chạm, đảm bảo không gây thương tích, và được sơn phản quang để dễ nhận ra.
- Đặt các dải phân cách bắt đầu từ các nút giao thông kéo dài suốt tuyến một cách ngắt quãng, không liên tục ( khoảng 2-3 m/tấm phân cách, hoặc đặt các tấm này thay cho vạch sơn). Cách làm này sẽ có tác dụng triệt để hơn, do người tham gia giao thông sẽ khó khăn hơn khi chuyển sang làn không đúng của mình. Ở nước ngoài cũng thường có hình thức tương tự khi họ dùng các cọc sắt, bê tông cách nhau khoảng 1-1,5 m làm thành hàng rào ngắt quãng để để bảo vệ người đi bộ trên vỉa hè hoặc để phân làn ôtô với làn đi bộ.
Cảnh báo từ trên cao:
Nếu vẫn giữ nguyên hệ thống như hiện nay thì làm thêm cảnh báo từ trên cao. Cụ thể là làm thêm các cột từ vỉa hè hoặc từ phía sau biển báo, từ cột đó làm các conson hoặc dầm trên cao, đưa ra đường phía trước biển báo khoảng 10 m, rồi từ các conson đó treo một số quả bóng làm bằng cao su mềm xuống độ cao cần thiết. Khi người tham gia giao thông đi đến vùng nguy hiểm sẽ va chạm với các quả bóng này và nhận biết được nguy hiểm. Biện pháp này cần xem xét nhiều đến đặc tính quả bóng và bán kính quay khi treo, để không gây nguy hiểm khi va chạm, không văng sang các vùng không cần cảnh báo kẻo làm phiền những người không trong vùng nguy hiểm. Cách làm này cũng đã được sử dụng ở châu Âu để cảnh báo độ cao trước khi vào các đoạn có hầm chui hạn chế chiều cao, chướng ngại vật trên cao…, chủ yếu là trên các tuyến đường chính, chướng ngại vật thấp dưới 2,5 m, dễ xảy ra tai nạn.
Mong rằng sau Tết này, cách đặt biển báo, phân làn không còn là vấn đề trong giao thông nữa, giảm đi được một mối lo của xã hội.
HG