Trong những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài, ti vi có nhắc rất nhiều về Tràng An - Bái Đính của Ninh Bình. Nhìn cảnh thuyền đi trên sông nước, người ngồi trên thuyền mặc áo phao an toàn màu đỏ, rồi cảnh thuyền chui vào hang động và lời giới thiệu cảnh vật thiên nhiên khiến ai cũng muốn đặt chân đến để thưởng thức cảnh đẹp.
Tôi là một người rất ngưỡng mộ và cũng muốn du xuân về Tràng An - Bái Đính, nhưng sau khi đi về rồi cứ tự hỏi: Liệu có ai đi rồi, lần sau còn muốn trở lại không? Tôi đoán là nếu làm điều tra xã hội học, số người trả lời: “không” chắc chắn sẽ chiếm đa phần.
Tôi đã đi đến Tràng An vào khoảng 9h sáng chủ nhật ngày 26/2. Bãi để xe rộng rãi, các xe để rất thoải mái. Nhưng sang đến chỗ mua vé thì bắt đầu là cuộc chen lấn, xô đẩy.
Cửa bán vé nhỏ, không có lan can ngăn để xếp hàng, mạnh ai người đó chen lấn xô đẩy. Mua được vé rồi là việc đi tìm thuyền. Không có ai đứng ra sắp xếp cả. Khách tham quan ai cũng tay lăm lăm vé nhưng thuyền không vào. Muốn có thuyền vào thì phải kẹp thêm tiền và giơ cao tay lên để vẫy.
Dọc bến thuyền là cảnh chen lấn, xô đẩy, cãi nhau để tranh lên. Có cô gái đang xuống thì thuyền trượt ra nên đã ngã xuống dòng sông giá lạnh. Mọi người phải xúm vào lôi lên. Không biết sau đó cô phải mua quần áo ở đâu để thay?
Chúng tôi lên thuyền với 5 tấm vé (100.000 đồng một vé) và kèm theo 100.000 đồng tiền mặt để “bồi dưỡng” thêm lái thuyền. Lên thuyền xong, người lái đò phải chèo đến đầu bến để nhân viên kiểm soát thu vé và cấp phiếu xuất bến.
Ở đó, một nhân viên nữ trạc tuổi 40-45 tuổi đang chỉ đạo. Chỉ vào chiếc thuyền chúng tôi đang đi, chỗ lòng thuyền bị bong sơn do giẫm đạp lên nhiều, chị ta không cho thuyền xuất bến. Chị ta gọi những người lái đò là “mày”, “nó” và xưng “tao”, kèm theo rất nhiều ngôn từ vô văn hóa hóa khác.
Chúng tôi lại phải lên thuyền và lại tiếp tục cuộc vẫy gọi đò mới. Tiếng gọi "Đò ơi” vang vọng cả khúc sông. Tôi đến chỗ bán vé để trả vé lấy tiền nhưng nhân viên bán vé không nhận.
Chúng tôi tìm Ban Tổ chức để định góp ý thì không biết tìm ở đâu. Gần một tiếng sau chúng tôi mới lên lại được đò. Theo người lái đò: mỗi chuyến họ chở 5 người (5 người là 500.000 đồng tiền vé) nhưng họ lại chỉ được hưởng có 80.000 đồng? Phải chăng là số tiền người lao động được hưởng quá ít nên phải có "tiêu cực phí" mới lên đò được?
Tất cả các con thuyền ngày hôm ấy đều không có áo phao nào đi kèm. Thuyền thì nhỏ, sông thì sâu, lỡ ra đắm đò thì ai cứu, phương tiện nào cứu? Không hề có thuyền kiểm tra hoặc cứu hộ nào. Ai cũng nơm nớp sợ đắm đò. Và rất nhiều đò lại có các cháu nhỏ đi kèm.
Đến chiều thì chúng tôi sang đến Bái Đính. Bái Đính có vẻ đẹp hoành tráng và kiến trúc đẹp. Song ngay cổng vào là cái chợ bát nháo đủ loại hàng hóa và bụi bẩn. Bên các pho tượng, người đi lễ vô ý thức vẫn gài tiền lên tay, lên người các bức tượng.
Các hệ thống biển chỉ dẫn còn thiếu. Rải rác khắp khu chùa vẫn thấy rất nhiều người ăn xin, bán hàng rong, bán thức ăn…làm mất đi không khí trang nghiêm của chùa chiền.
Tôi tự hỏi liệu có ai còn muốn quay lại khu du lịch Tràng An - Bái Đính khi đi du lịch mà phải vất vả chen lấn, nguy hiểm và chứng kiến nhiều hình ảnh lộn xộn khác.
Rất mong những ý kiến trên được Ban tổ chức Lễ hội của tỉnh Ninh Bình nghiên cứu và để làm sao cho Tràng An - Bái Đính thực sự là nơi mọi người muốn đến và đã đến thì lại muốn đến nữa.
> Ấn tượng xấu về du lịch Việt Nam
> Lái đò đưa du khách đi nhưng không chịu đón về
Nguyễn Kim Hoàng