Tôi là mẹ của một cháu gái mới 15 tuổi, sống trong một gia đình bình dân ở Hà Nội. Chắc cũng giống như bao cháu bé cùng trang lứa khác, con gái tôi có nhiều ước mơ ước mơ, hoài bão và thần tượng của riêng mình.
Nhưng điều làm tôi thực sự lo lắng không chỉ đối với con gái tôi mà rất nhiều cháu bé khác đó là sự ngưỡng mộ điên cuồng đến lệch lạc về các thần tượng là các ngôi sao, ban nhạc Hàn Quốc.
Không rõ làn sóng Hàn Quốc đã tràn vào Việt Nam mạnh mẽ từ khi nào nhưng chỉ biết rằng cách đây khoảng 4 đến 5 năm, ngôi sao lớn của Hàn Quốc là So - Ji - Sub đến Việt Nam, chỉ có một số lượng nhỏ khán giả đến giao lưu và xin chữ ký. Vậy mà bây giờ mọi thứ đều thay đổi.
Mỗi khi có thông tin một ban nhạc, hay một ca sĩ Hàn Quốc đến Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, có một làn sóng ngầm nhưng cực kỳ mạnh mẽ từ các cháu thanh thiếu niên.
Chúng tìm mọi mối quan hệ, mọi cách để có được tấm vé được tận mắt nhìn thấy thần tượng của mình. Tôi thiển nghĩ, tuổi thanh thiếu niên thần tượng một ai đó là điều rất bình thường nhưng tôi đã thực sự hốt hoảng khi xảy ra những việc như sau:
Mới đây, có ban nhạc nữ của Hàn Quốc 2NE1 đến Hà Nội biểu diễn. Con gái tôi yêu cầu khẩn thiết với mẹ tìm mọi cách để có tấm vé. Khi càng gần đến ngày biểu diễn, cháu càng tỏ thái độ cương quyết và cháu ra điều kiện nếu không được đi xem biểu biểu diễn đó sẽ không tiếp tục đi học nữa.
Là một người mẹ, tôi cũng cố gắng đáp ứng yêu cầu của con mình. Đi tìm hiểu thông tin khắp nơi để tìm được tấm vé. Sau rất nhiều ngày vất vả tôi mới có được tấm vé cho con gái mình. Tôi cũng rất tò mò và quyết tâm đến xem thử chương trình như thế nào?
Tôi thực sự thất vọng và cảm thấy thương con và các cháu nhỏ quá. Tôi gặp một cháu bé đi một mình. Để đến được đó, cháu phải mua vé ngoài chợ đen với giá 2,5 triệu đồng.
Đó không phải là trường hợp cá biệt. Một em bé khác học lớp 8 từ Thái Bình ra Hà Nội một mình với bức hình lớn vẽ bằng tay chỉ với một hy vọng mong manh được người ta thương xót cho vào trong xem chương trình.
Hàng trăm các cháu bé từ học sinh cấp hai đến sinh viên Đại học đứng ngoài cổng trung tâm hội nghị quốc gia với nhiều biểu ngữ của ban nhạc nhưng không được vào trong.
Tuy nhiên đó không phải là điều tôi lo lắng và thất vọng mà chính là nội dung chương trình. 2/3 đêm diễn là các tiết mục của các cháu học sinh Việt Nam bắt chước một cách gượng gạo theo ban nhạc 2NE1.
Phần biểu diễn của ca sĩ Việt Nam khá ấn tượng nhưng các cháu cũng không nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ khi 4 cô gái Hàn Quốc xuất hiện, hội trường như nổ tung.
Công bằng mà nói ngoài ngoại hình, vũ đạo đẹp thì những cô gái đến từ Hàn Quốc đó hát rất thường. Điều đó làm tôi thấy thất vọng ghê gớm. Chỉ vì những ca sĩ như thế này mà nhiều cháu dọa bố mẹ tự tử khi không được đi xem chương trình ư?
Tôi có hỏi rất nhiều cháu bé đứng đợi bên ngoài “Tại sao lại hâm mộ ban nhạc Hàn Quốc đến thế”. Các cháu đều trả lời vì thích. "Nếu cháu được sang Hàn Quốc một lần thì chết cũng không hối hận. Đối với cháu Hàn Quốc là thiên đường”.
Kính thưa Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch không biết đã bao giờ ông đến tham gia một đêm nhạc như vậy chưa? Còn tôi, tôi thấy đau xót quá. Lòng tự hào dân tộc bị tổn thương quá. Chắc ông thừa hiểu cách làm PR cực kỳ chuyên nghiệp để tạo thành công của người Hàn Quốc.
Thật thiệt thòi do sự tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa một cách lệch lạc chính là những cháu bé giống như con gái tôi.
Những cháu bé sống trong một xã hội tràn ngập thông tin nhưng rất thiếu kiến thức để chọn lọc thông tin. Và tác hại của nó đối với lớp trẻ thì chắc ông cũng còn rõ hơn tôi.
Vậy xin Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch hãy đến và tự cảm nhận một lần để hiểu được sự lo lắng, trăn trở của một bà mẹ như tôi.
Nguyễn Bình Vân