3. Không có chuyện "ô dù" khi xử phạt
Lại có một chuyện thú vị khác về luật giao thông. Ở thành phố nơi tôi ở, một công tố viên của viện kiểm sát (assistant district attorney) bị cảnh sát thổi phạt vì lái xe quá tốc độ.
Cô công tố viên cho rằng viên cảnh sát đã có cử chỉ lả lơi khiếm nhã với mình, nên sau khi nhận vé phạt thì cô gọi điện cho đồn cảnh sát, dùng tư cách công tố viên để hỏi xem ông cảnh sát đó có tiền sự quấy rối phụ nữ không.
Cô được cho biết là ông cảnh sát quả có bị vài người phụ nữ phàn nàn vì tội quấy rối. Cô bèn ghi tên mình luôn vào danh sách những kẻ phàn nàn. Chỉ biết rằng sau đó cảnh sát lại tố ngược cô là định lạm dụng chức vụ để cảnh sát bỏ qua vi phạm.
Sau đó thì chính cô công tố viên này bị khởi tố vì tội lạm dụng chức vụ để thoát khỏi hình phạt. Vụ việc ra toà và những gì tôi kể trên là do chứng cứ ở toà. Cô công tố viên bị bồi thẩm đoàn cho là có tội.
Sự việc ầm ĩ và đài truyền hình địa phương tường thuật suốt mấy ngày. Bây giờ thì rõ khổ, vì bị tội như thế thì sự nghiệp tan nát. Tôi không rõ đúng sai thế nào, nhưng việc này cũng thấy rõ là chuyện ô dù hay thông cảm ít có ở Mỹ.
4. Uống rượu lái xe là tội hình sự
Tùy theo nồng độ cồn mà người vi phạm sẽ bị nhẹ hay nặng tội. Cảnh sát khi dừng xe sẽ kiểm tra nồng độ cồn bằng hơi thở nếu khả nghi. Những ngày cuối tuần hay dịp lễ thì họ tổ chức chốt chặn và kiểm tra nồng độ cồn mọi tài xế đi ngang. Còn hình phạt cho tội say rượu lái xe thì rất nặng.
Khi bị phát hiện say rượu lái xe thì việc đầu tiên là... bị còng tay và bị bắt. Nghi phạm thì đi về đồn, còn xe thì bị kéo về bãi của cảnh sát. Sau đó thì phải đóng tiền thế chân và về nhà đợi hầu toà.
Tiền phạt, trừ điểm bằng lái, học luật, lao động công ích, và thậm chí là ngồi tù đều có đủ. Nhiều sở làm còn qui định rõ là bị tội say rượu lái xe sẽ bị đuổi việc.
Có lần tôi ra tòa để học hỏi (tôi học luật), thấy một phụ nữ người Mexico bị tội say rượu lái xe. Bà bị bắt hôm trước, hôm sau ra tòa để quan tòa định mức tiền thế chân tại ngoại. Bà ấy đã có tiền án say rượu lái xe nên tòa rất giận.
Quan toà nói rằng: “Tôi rút bằng lái của bà ngay lập tức. Trong khi tại ngoại hầu tra, nếu bà ngồi sau vô lăng, cảnh sát bắt được thì bà sẽ bị trục xuất. Tôi sẽ cắt cái thẻ xanh của bà ra làm đôi và cảnh sát sẽ hộ tống bà về Mexico. Bà đã say rượu lái xe lại còn chở theo trẻ em”. Toà mắng câu nào đã có người thông dịch nói lại bằng tiếng Tây Ban Nha, nghe mà phát ngượng cho bà ấy.
Việc quản lí giao thông ở Mỹ được làm ở cả gốc lẫn ngọn. Gốc là giáo dục người tham gia giao thông, còn ngọn là thực thi pháp luật nghiêm túc và quản lí cảnh sát chặt chẽ.Việc thực thi hình phạt thì do toà án. Do tiền nộp phạt thì cảnh sát không được sử dụng, nên cảnh sát ít có lí do gì để phạt sai.
Tôi không biết tình hình giao thông ở Việt Nam thì làm thế nào để khá hơn. Thế nhưng việc đầu tiên có lẽ là nên giáo dục công dân về giao thông, qui định rõ về việc bồi thường cho đúng luật, và tăng cường phòng chống tham nhũng.
Việc thì nhiều, nhưng ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó mới có thành công. Kẻo không thì các chú lùn trong "Bạch Tuyết và Bảy chú lùn" sẽ luôn luôn thắng trong mọi vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam, bởi lẽ cứ xe lớn đền cho xe nhỏ, thì các "chú lùn" ấy luôn là nhỏ nhất và luôn thắng.
Khanh Huynh
Chia sẻ bài viết của bạn về thực thi luật giao thông tại đây.