Đó cũng chính là quan điểm chung mà hầu hết bạn đọc VnExpress chia sẻ sau sự kiện hàng trăm phụ huynh ở thủ đô Hà Nội chen lấn nộp hồ sơ xin cho con vào học lớp 1 tại trường PTCS Thực nghiệm.
Những hình ảnh phản cảm từ việc chen lấn, giành giật từng khoảnh khắc để có thể mua hồ sơ của các bậc cha mẹ này đã chứng minh sự kỳ vọng rất lớn của họ vào cơ hội trở thành “người tài giỏi” của con cái.
Rất nhiều bạn đọc bức xúc và cho rằng hành động ùa vào trường sau khi xô đẩy đến mức làm đổ cả cổng trường nhưng rồi vẫn thản nhiên chạy qua của nhiều phụ huynh là một hình ảnh rất phản cảm. Bạn đọc Thanh bày tỏ sự ngao ngán: “Một hành động mất văn hóa như vậy mà dám xin cho con đi học văn hóa, thật hết chỗ nói”.
Liên tiếp các câu hỏi khác được nhiều bạn đọc đặt ra sau hình ảnh này là “văn hóa xếp hàng” của người Việt Nam đâu rồi? Những người lớn tạo nên hình ảnh không văn minh này sẽ giáo dục con cái ra sao nếu các cháu chứng kiến cảnh này? Hơn nữa, việc bất chấp tất cả để mua bằng được một bộ hồ sơ đăng ký cũng sẽ gieo vào đầu óc con trẻ ấn tượng gì khi đây chỉ mới là việc xin đi học?
Một bạn đọc không ngần ngại cho rằng, có lẽ lối sống bon chen đời thường đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận thị dân mới dẫn đến những hành vi kém văn mình với thái độ “thản nhiên” như thế.
Những lý giải được viện dẫn cho sự kiện này từ phương pháp giáo dục tiến bộ của trường, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu cũng từng đào tạo ở đây cũng không đủ sức thuyết phục cho những gì đã diễn ra.
Rất nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc cho rằng dù đây có là ngôi trường có chất lượng đào tạo tốt thì điều đó cũng không đến mức khiến cho các vị phụ huynh phải tự làm khó, làm khổ mình như thế.
Bạn đọc Nguyen Thi Tinh chia sẻ: “Trường học đâu phải là tất cả. Con trai bạn tôi học ở một huyện nghèo nhất tỉnh, vừa học vừa phải đi làm rẫy giúp gia đình mà cách đây 4 năm vẫn đỗ thủ khoa trường y Hà Nội đấy thôi. Vấn đề ở đây không phải là con em chúng ta học trường nào mà là học được gì”.
Môi trường giáo dục chỉ là điều kiện cần thiết cho sự phát triển trí và đức của một con người, ngoài ra còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác từ gia đình, bản thân và tố chất… Nếu không thực sự thay đổi tư duy máy móc thì cảnh tượng này e rằng sẽ còn tiếp diễn.
Từ sự việc trên, nhiều bạn đọc cũng thắc mắc tại sao mô hình giáo dục như trường Thực nghiệm đã hiệu quả như thế mà không được nhân rộng ra toàn quốc để cho tất cả trẻ em đều có thể được đào tạo giống nhau và sẽ không có cảnh cha mẹ phải khổ sở xin học cho con như thế này?
Một vị phụ huynh trực tiếp đi mua hồ sơ cho con vào ngôi trường này bày tỏ rằng tất cả những phụ huynh đến chờ đợi từ đêm đã cố gắng nỗ lực có trật tự nhưng vì số lượng người mua hồ sơ vượt hơn số chỉ tiêu quá nhiều nên “dù có muốn văn minh cũng không được”.
Có thể thấy, việc bán hồ sơ trực tiếp từ bao lâu nay là một yếu tố dẫn đến tình trạng hỗn loạn như vừa qua khi “cầu vượt cung”. Nhiều bạn đọc đề xuất nhà trường nên bán hồ sơ không giới hạn và có tiêu chí xét chọn chung hoặc cho phép phụ huynh đăng ký qua mạng sẽ tạo ra công bằng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Tuy nhiên cũng có những bạn đọc bày tỏ sự thông cảm cho các bậc phụ huynh khi cho rằng tất cả đều xuất phát từ mong muốn chính đáng, tuy nhiên hành động thì lại không phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều bất cập trong hệ thống trường lớp và sự phân chia các loại hình đào tạo cũng là một yếu tố dẫn tới việc ai cũng muốn xin cho con học trường điểm.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là nếu tư duy của các bậc phụ huynh không thay đổi để có sự nhìn nhận đúng đắn về việc học của con trẻ thì hiện tượng này sẽ trở thành hình ảnh đặc trưng đáng buồn của phụ huynh Hà Nội mỗi năm học mới.
Diễm Phương