>Nhận bài dự thi "Viết cho tuổi học trò"
Ai may áo ấm mùa đông
Cho tôi nhắn gởi đôi dòng thiết tha
Thay tôi chiếc áo gọi là...
Thêm từng hơi ấm mặn mà tình tôi
Xa nhau… bạn có biết không
Lạnh từng hơi thở, cõi lòng rét căm
Ai mang... nước mắt mùa đông
Cho tim rỉ máu... cho dòng lệ tuôn...!
Hôm nay lạnh quá các bạn ơi, chúng mình nên ngồi gần lại với nhau để cho ấm áp hơn nào. Nhưng sao hôm nay bàn của mình vắng một người rồi, sao không thấy bạn Thắng đâu vậy?...”.
Tôi vẫn còn nhớ như in câu hỏi này và dường như vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc của mùa đông năm năm ấy, một mùa đông thật lạnh, thật buồn và thật nhiều nước mắt.
Chưa có mùa đông năm nào lại có thời tiết lạnh như mùa đông năm ấy, vì khí hậu miền Tây vốn không có một mùa đông rõ rệt, thường chỉ có cái cảm giác se lạnh, nó khác với cái lạnh lẽo đến từ những cơn gió mùa Đông Bắc thổi làm buốt cả người như ở Hà Nội, hay nó khác với cảm giác trời thật mát và có nắng nhẹ ở TP HCM.
Và cũng thật khác với mùa đông ở Sapa vì thỉnh thoảng có tuyết rơi. Nhưng mùa đông đáng nhớ của tôi vẫn có cái gì đó rơi rơi, nhưng không phải tuyết mà đó là nước mắt.
Những ngày cận tết của năm 2000, năm ấy tôi học lớp mười. Như thường lệ, những phút đầu giờ của một buổi học, tôi thường lên bảng để sửa một số bài tập cho lớp, vì năm ấy tôi làm lớp phó học tập.
Cái rét bất thường của mùa động năm đó làm tay tôi tê cóng, không thể cầm viên phấn viết bảng một cách thật trọn vẹn, tay cứ run lên cầm cập và từng nét chữ trở nên xiêu vẹo trông thật ngộ nghĩnh. Các bạn tôi bên dưới thấy thế liền trêu: “Lớp phó ơi, hôm nay viết chữ xấu quá, cong cong vẹo vẹo không coi được nè”.
Tôi mỉm cười và quay về phía các bạn như tìm sự chia sẻ: “Lạnh quá các bạn ơi!”. Trên bục giảng nhìn xuống tôi thấy các bạn đã đến lớp đông đủ, chỉ thiếu có mỗi bạn Thắng ngồi ở bàn thứ ba, sao mấy hôm nay không thấy bạn ấy đến lớp - tôi tự hỏi.
Tôi nhìn về phía bạn Sơn, tổ trưởng tổ ba hỏi : “Sơn ơi sao mấy hôm nay không thấy Thắng đi học vậy? Có chuyện gì với bạn ấy à?” “Cũng không biết nữa Trường ơi, mấy hôm nay Sơn không có tin tức gì của Thắng cả” - tổ trưởng tổ ba trả lời.
Có một cảm giác gì đó thật mênh mông trong tôi lúc ấy, tôi cảm nhận như có điều gì đó không ổn đang xảy ra với người bạn của mình. Sau buổi học hôm ấy tôi đã gặp cô chủ nhiệm đưa ra ý kiến: chúng ta nên đến thăm nhà bạn Thắng để hỏi xem sao bạn ấy nghỉ học mấy hôm nay cô nhé. Cô đã đồng ý ngay và trong buổi chiều hôm ấy cả lớp chúng tôi cùng cô chủ nhiệm đã tìm đến nhà của Thắng.
Do mới học chung với nhau được có vài tháng và mọi người cũng chưa có ai biết nhà Thắng nên đoạn đường dường như dài hơn vì chúng tôi phải vừa đi vừa hỏi đường. Cái cảm giác bất an trong tôi dường như càng ngày càng nhiều hơn khi trời đã sụp tối rồi mà vẫn chưa đến được nhà Thắng.
Đi thêm được một lúc, nghe tiếng bạn lớp trưởng nói to: “ Tới rồi các bạn ơi”. Cô giáo và những bạn đi cùng rất vui mừng nhưng tôi vẫn cảm thấy có chút gì đó lo lắng lạ thường.
Đến nơi, mọi người không thấy Thắng đâu cả, chỉ có bố và anh trai của Thắng ra đón chúng tôi với nét buồn hiện lên cả khuôn mặt của bác nông dân đã bước vào tuổi xế chiều. Cả lớp chúng tôi đã không khỏi bàng hoàng sau khi nghe bố của Thắng kể về hoàn cảnh gia đình mình.
Thắng vừa mất người anh trai kế cách đây vài ngày vì tai nạn giao thông, nhà chỉ có 3 anh em, anh cả lấy vợ ở xa, có tang của em nên mới về vài ngày. Giờ chỉ còn lại mỗi Thắng, người bạn nhỏ bé của tôi sống chung với bố mẹ cũng đã bước sang tuổi lục tuần.
Trời cũng đã gần tối nhưng nghe bố Thắng nói: “Nó và mẹ nó vẫn còn đang tưới nước cho ruộng dưa hấu chuẩn bị cho mùa tết ở sau nhà”. Nghe bố Thắng nói mà lòng tôi đau như cắt, thương cho người bạn nhỏ bé của mình đã sớm chịu nhiều vất vả đến thế. Trong lúc các bạn khác đang được gia đình cho ăn ngon, mặc đẹp và chỉ biết có “ăn với học” thì bạn tôi đã sớm phải tất bật vì cuộc sống đến thế.
Không đợi bố Thắng chỉ đường, tôi và đám bạn đã phi ngay ra mảnh ruộng sau nhà. Thấy Thắng cùng mẹ đang loay hoay, tay xách từng thùng nước di chuyển dọc theo luống dưa để tưới nước mà lòng tôi không khỏi bùi ngùi.
Tôi và một số bạn xung phong để phụ tiếp người bạn của mình nhưng Thắng không đồng ý: “Nặng lắm, các bạn làm không được đâu”, Thắng nói. “Thế thì 2 đứa bọn tớ một xách một thùng, Thắng nhé”, tôi nài nỉ.
Sau một hồi ngượng ngịu, Thắng gật đầu đồng ý. Tôi và Khải, hai thằng thử nâng một thùng nước lên, nó nặng kinh khủng so với thân hình nhỏ bé của những cậu học sinh lớp 10 chúng tôi.
Cùng cái lạnh của mùa động năm ấy, khi cố di chuyển trong từng luống dưa, tay va vào nước trong thùng làm lạnh cứng cả tay. Chỉ được có hai thùng nước, tôi và Khải đã chào thua. “Vừa nặng vừa lạnh, không được rồi Thắng ơi”, tôi ngọng nghịu nói.
Thắng khẽ cười: “Mình đã nói với các bạn rồi mà”, nói xong câu. Thắng xin phép mẹ dẫn chúng tôi vào nhà. Mảnh ruộng dưa giờ chỉ còn lại mình mẹ Thắng, nhìn bà mà thấy thương làm sao người nông dân chất phác quê tôi.
Khi quay trở lại vào nhà Thắng, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra chỉ thấy có rất nhiều giọt nước mắt đã lăn trên má của các bạn của tôi trong đó có cả cô chủ nhiệm.
Nhìn đằng xa thấy bạn lớp trưởng đang ôm chầm lấy tổ trưởng tổ ba khóc nức nở. Tôi hỏi có chuyện gì xảy ra thế thì cô giáo và mọi người nhìn tôi, khóc nhiều hơn.
Giờ những giọt nước mắt đã kèm theo tiếng khóc, không ai nói với tôi được một lời nào. Nhìn sang bố Thắng, trông thẳng vào đôi mắt của người nông dân đã trải qua quá nhiều vất vả với ruộng đồng. Tôi thấy có một nỗi buồn vô tận đang chất chứa trong ấy, ông khẽ nói:
“Bác cho thằng Thắng nghỉ học con à, anh ba nó mới mất, anh hai thì ở xa, giờ chỉ còn có mỗi nó và hai bác thôi. Hai bác thì lớn tuổi rồi, cần phải có người chăm sóc và cả mảnh ruộng ngoài sau nhà nữa…”
Mặc cho cô giáo và cả bọn chúng tôi nài nỉ, khóc lóc nhưng gia đình quyết không cho Thắng đi học trở lại. Như biết rõ số phận của mình, Thắng cũng không nói được một lời nào mà chỉ nức nở, ôm chầm lấy các bạn. Lúc này trời đã rất tối, nên cô giáo phải đưa chúng tôi về, chào tạm biệt gia đình Thắng mà mắt cô vẫn còn đỏ hoe với những giọt lệ đọng quanh mi mắt.
Chúng tôi như không nhấc chân lên nổi, như có một cục đá nặng ngàn cân trói dưới chân. Đoạn đường đã xa giờ lại càng thấy xa hơn. Tôi ôm chầm lấy Thắng và nức nỡ những tiếng nấc nghẹn ngào: “Mình… về ….nhé”.
Tôi vụt chạy thật nhanh để cố không nhìn thấy người bạn tội nghiệp của tôi nữa nhưng sao đôi chân của tôi không nghe lời tôi thế này, chạy được một đoạn tôi đứng lại, nhìn về phía nhà của người bạn mình, thấy bạn ấy vẫn còn ngồi khóc ngay trước sân nhà mà tim tôi đau buốt. “Giờ đây lớp 10A2 đã vắng bóng bạn rồi, Thắng ơi!”
Tôi cố bước đi trên đôi chân đã tê cóng mà lòng xót xa, được vài bước tôi lại hướng mắt nhìn về phía người bạn nhỏ bé của mình, nhưng hình ảnh của Thắng ngày một xa dần, xa dần…
Dr Smile - Phạm Minh Trường
Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’ Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo suốt cả cuộc đời. Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấu ấn không quên trong mỗi chúng ta. Cuộc thi do FPT Polytechnic phối hợp với VnExpress và iOne.net tổ chức. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây |