Nhìn 2 tấm hình trên của giao thông Hà Nội, chắc không ai trong chúng ta không khỏi lắc đầu tắc lưỡi và nói rằng giao thông như vầy thì làm sao có thể giải tỏa được những bức xúc của người dân sống trong đó khi hàng ngày phải trải qua hàng giờ căng thẳng tại những nơi ồn ào, bụi bặm, khói và mùi xăng đầy ngập, nhất là những ngày tháng mùa hè nóng oi ả.
Tại những thành phố đã phát triển người ta đang tìm cách giảm bớt xe ô tô, xe máy cá nhân, khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe điện ngầm, xe buýt, đạp xe đạp và đi bộ.
Để giải quyết tình hình ùn tắc nghiêm trọng trong nước hiện nay, thiển nghĩ những biện pháp cấp bách như sau cần nên được nghiên cứu:
- Ngoài việc sử dụng thuế nhập xe cũng như các loại thuế đánh trên người sở hữu xe, thuế lưu thông để xây thêm đường sá; cần thu thêm thuế KTHTGT (kiến thiết hệ thống giao thông) đối với chủ các loại xe trừ xe đạp (trước mắt là chủ các loại ôtô rồi mới đến xe máy); tăng thu thuế giữ xe ở trong thành phố. Hoàn toàn không sử dụng thuế của người dân không sở hữu xe vào việc này.
- Thay vì thu phí ô tô vào thành phố lớn để giảm lượng ôtô, nên mở nhiều tuyến đường xe buýt ưu tiên trong thành phố với giá rẻ đủ để thuyết phục nhiều người từ bỏ dùng xe ô tô cá nhân đi vào thành phố, vì tiết kiệm được thời gian lẫn tiền bạc.
- Thành phố đứng ra tổ chức việc cho thuê xe đạp trong nội thành, nhiều địa điểm cho thuê và trả lại xe tiện lợi, địa điểm thuê và trả lại có thể khác nhau với giá thật khuyến khích. Làm tăng vẻ đẹp của thành phố và thu hút du khách khách nước ngoài. (Mỗi thành phố chọn một màu để sơn lên loại xe đạp này, và trên mỗi xe đạp có gắn 1 bản nhỏ phía sau ghế dùng để đăng quảng cáo giúp gây thêm quỹ cho thành phố)
- Đặt kế hoạch cụ thể, quy định số lượng xe nhập về cho mỗi quý cho đến khi nào nạn ùn tắc giảm đi thật sự. Không thể giải quyết được nếu số lượng xe lưu thông càng ngày càng tăng mà chưa xây xong đường sá mới.
- Dùng các tiết mục quảng cáo trên truyền hình để giáo dục dân chúng chấp hành luật lệ giao thông, cùng nhau xây dựng một đất nước văn minh và lành mạnh. Tổ chức một ngày trong tuần chỉ sử dụng phương tiện công cộng đối với các công nhân viên nhà nước để làm gương. Đồng thời tăng thuế phạt lên theo số lần vi phạm luật giao thông cho đến khi có được kết quả như mong muốn.
- Tạm thời ngưng cấp giấy phép xây cất chung cư trong thành phố. Khuyến khích việc xây dựng chung cư rẻ tiền ở ngoại ô.
- Di chuyển các cơ quan nhà nước, bệnh viện, công xưởng gây ồn ào, bụi bặm ra ngoài thành phố. Bố trí sao cho khu dân cư và khu thương mại có được mật độ hài hòa.
- Quy định giờ làm việc của các cơ quan hành chánh, công xưởng, trường học, bệnh viện sao cho tránh giờ đi làm và tan sở cùng một thời điểm.
- Tổ chức những tuyến đường xe buýt dành ưu tiên cho nhân viên của một cơ quan, công ty hay bệnh viện, khởi hành tại những địa điểm thuận lợi chạy thẳng đến nơi làm việc vào giờ cao điểm. (Những xe buýt công cộng và những xe buýt này được ưu tiên chạy vào hàng ưu tiên, các xe khác không được phép chạy vào).
- Quy định giờ di chuyển vào thành phố đối với các xe tải lớn.
- Khuyến khích tổ chức ở ngoại thành đối với những buổi lễ hội đông người như đại nhạc hội, triển lãm…
- Đặt camera theo dõi ở những nơi thường xảy ra ùn tắc, tăng cường cảnh sát giao thông để có thể khắc phục nhanh chóng khi có ùn tắc do tại nạn giao thông hay băng nhóm đua xe phá rối trật tự giao thông…
- Phát triển thương mại, buôn bán ở ngoại thành để giảm lượng mua sắm ở trong thành phố.
- Phân chia và tăng quyền hạn cho các đơn vị hành chánh của các địa hạt để tăng tính thích ứng cho từng địa bàn.
Song song với những biện pháp trên, việc xây dựng hệ thống xe điện ngầm phải được tiến hành càng sớm càng tốt, đây là một kế hoạch bắt buộc không thể thiếu trong tương lai. Bởi vì, nó không chỉ giúp cải thiện nạn kẹt xe, giảm chi phí chuyên chở, giảm chi phí trùng tu sửa chữa đường sá, giảm nhu cầu bãi đậu xe trong thành phố, mà còn bảo đảm sự an toàn, làm tăng vẻ đẹp của thành phố, giúp cải thiện môi sinh và tiết kiệm được nguồn năng lượng đang dần khan hiếm. Tính theo đơn vị trên từng cá nhân thì người sử dụng xe điện ngầm không gây ra ô nhiễm, giảm ô nhiễm hơn từ 6 đến 18 lần so với người sử dụng ôtô. Như vậy, nguồn vốn đầu tư dồi dào và sự nỗ lực quyết tâm từ cấp chính quyền đến người dân là những yếu tố quyết định cho sự thành công của kế hoạch này.
Tóm lại, nếu không có kế hoạch làm giảm lượng giao thông vào thời gian cao điểm; nếu không nâng cao trình độ dân trí, nếu không có kế hoạch làm giảm mật độ dân số trong nội thành và nếu không phát triển hệ thống giao thông công cộng trong các thành phố lớn như hiện này thì Việt Nam mình sẽ mãi mãi và không bao giờ giải quyết được nạn ùn tắc. Không những gây ra nhiều ô nhiễm ồn ào cho môi trường sinh sống của người dân trong thành phố, mà nó còn làm hao tổn thời gian và tiền bạc của quốc gia.
Ngô Khôn Trí