> Học sinh Mỹ cuối tuần không phải làm bài tập về nhà
Đi thể dục buổi sáng về, chưa kịp vào phòng xem cậu con trai ngồi học ôn bài Lịch sử đến đâu rồi, ba tôi kéo tôi vào phòng sau để nói: ‘Bay bắt hắn học chi nhiều rứa, hắn mới khóc mếu máo với tau là: Ông ơi, bài cô giáo ra nhiều quá, con học không nổi, chắc chết mất ông ơi..’
Tôi nghe cha nói mà khựng cả người. Bước nhẹ đến bên con, tiếng sụt sịt của thằng bé vẫn còn. Nó có bao giờ mà yếu đuối đến vậy.
Nhìn 1 xấp tờ A4 cô soạn sẵn đề cương câu hỏi môn lịch sử lớp 5 mà tôi cũng ớn lạnh. Không biết đến bao giờ con mới thuộc hết gần 50 câu hỏi và trả lời kia của riêng môn lịch sử?
Tôi đem nỗi lòng giải bày với các bậc phụ huynh khác, ai nấy cũng lắc đầu, ngán ngẩm với cách ra đề cương ôn tập thi học kỳ 1 bậc tiểu học của một trường tại thành phố Đà Nẵng.
Với lớp 4, lớp 5 đề cương ôn tập môn Khoa học-sử-địa chỉ giới hạn lại 20 bài học trong sách giáo khoa. Tuyệt nhiên không có câu hỏi chi tiết. Nhà trường yêu cầu học sinh phải nắm hết nội dung bài học trong sách giáo khoa của đề cương để khi thi sẽ làm phần tự luận hay trắc nghiệm.
Cách tôi vài nhà, cháu Ny đang học lớp 4 cũng than phiền với ba cháu: "Con sợ học không thuộc bài hết, đến trường cô giáo la..". Ba của cháu định đến nhà cô giáo phản ánh tại sao ôn tập môn học bài Khoa, sử địa nhiều quá vậy?
Tôi bảo, cô giáo chủ nhiệm cũng là nạn nhân, làm theo chỉ đạo của nhà trường. Nhà trường ra đề cương chỉ hạn chế học ôn 1 số bài, không ra câu hỏi chi tiết. Các cô giáo lại thương học trò mình nên tự ra câu hỏi và trả lời, photo phát cho học sinh học thuộc để làm bài.
Đề cương của trường là bài học chung (giới hạn bài học), nội dung mỗi bài học lại nhiều, nên có cô soạn câu hỏi chi tiết, thành ra số lượng câu hỏi cho 3 môn là khá lớn..
Con tôi tối nào cũng học khoa học - sử - địa đến hơn 10 giờ mới ngủ, trước khi ngủ cháu còn nhắc 5 giờ sáng mai gọi dậy để học tiếp. Nhìn hơn một tuần cháu loanh quanh với 3 môn này, không có thời gian ôn môn tiếng Việt và toán mà tôi chạnh lòng.
Có lẽ quá nhiều bài học, không có câu hỏi chi tiết nên cô giáo (phụ huynh) tự soạn lại quá dài, cái nào cũng sợ ra thi nên tâm lí cô giáo chủ nhiệm hay ba mẹ đều buộc con mình học thuộc bài mới thi được.
Chính vì nội dung ôn thi quá nhiều, bố mẹ, cô giáo lo lắng nên buộc các cháu "phải học thuộc" tất tần tật những gì có trong bài học, tạo ra tâm lí thi cử rất nặng nề với các cháu..
Khi tôi phản ánh việc không ra câu hỏi ôn tập với Ban giám hiệu nhà trường thì mới biết đây là chủ trương của cấp trên: học gì thi nấy.
Nhà trường còn cho biết, đề cương là bài học chứ không phải câu hỏi sẽ tạo tâm lí cho các cháu làm quen với việc thi ở cấp 2 sau này. Đề cương kiểm tra học kì giới hạn một số bài trong mỗi môn (không có câu hỏi) để tránh học vẹt mà không nắm chắc nội dung bài.
Hơn nữa nhà trường có đề cương như vậy là tốt lắm rồi, trong khi trên yêu cầu là học gì thi nấy mà..
Nhớ lại năm trước, cũng đề cương ôn tập học kỳ 1, phần tiếng Việt ôn từ tuần 1-17, kể cả bài đọc thêm. Năm nay trường có tiến bộ hơn, môn tiếng Việt chỉ giới hạn mấy bài tập đọc, không có phần đọc thêm, nhưng môn học bài vẫn không có câu hỏi ôn tập.
Đề cương lớp 4 học kì 1 niên học 2011-2012 |
Tôi thắc mắc với tuổi các cháu còn quá bé (lớn nhất 10 tuổi), đang độ tuổi ham ăn ham ngủ mà sự chỉ đạo của cấp trên tạo về ôn tập thi học kỳ như vậy tạo áp lực cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Với độ tuổi còn non bé, bài vở lại rất nhiều, các cháu chưa đủ độ chín để tự đưa ra phương án trả lời những câu hỏi kiểu tự luận khi chưa 1 lần đọc qua câu hỏi trước đó, dù có cháu nắm bài rất kỹ.
Và đây chỉ là kỳ thi kiểm tra học kỳ thôi, có cần yêu cầu cao như thế với độ tuổi bậc tiểu học là lớp 4, 5 không? Tại sao không ra câu hỏi để học sinh ôn tập trả lời?
Có khi với những câu hỏi rõ ràng của mỗi bài mà các cháu thuộc sẽ nhớ lâu hơn hơn kiểu học nắm hết bài vậy? Tại sao trường tiểu học lo cho bản thân mình chưa đủ lại phải lo cho "sự làm quen" thi cử bậc cao hơn trong tương lai?
Giảm tải chương trình cho các cấp học của Bộ Giáo dục khởi xướng mấy năm qua được giáo viên, phụ huynh đồng tình hưởng ứng. Nhưng nay Sở, Phòng lại như “tăng tải” cho các em ở phần thi kiểm tra cuối mỗi học kỳ, vô tình tạo ra tâm lý căng thẳng cho giáo viên, học sinh, tạo áp lực nặng nề trong thi cử, làm cho các cháu đến kỳ thi phải lo sợ học bài vì quá nhiều (Toán, tiếng Việt, Anh, Tin học, Khoa, sử địa..), và gây thêm áp lực cho phụ huynh nữa.
Thiết nghĩ, ngành giáo dục thành phố cần thay đổi quan niệm: thi cử cần nhẹ nhàng, không nên đặt nặng vấn đề học gì thi nấy ở bậc tiểu học, mà lứa tuổi các cháu chỉ cần ôn tập có câu hỏi nhưng thi nghiêm túc.
Cần có đề cương chi tiết để học, nhất là những môn học thuộc bài phải có câu hỏi rõ ràng để thầy cô hoặc ba mẹ soạn ra cho các cháu học, không nên đánh đố học sinh tiểu học, gây sức ép đến phụ huynh..
Đừng để cứ đến mỗi kỳ thi học kỳ các cháu lại sợ hãi, ám ảnh nặng nề vì học bài quá nhiều.
Nguyễn Nho
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.