Hội chứng sợ đồng tính luyến ái (homophobia)
Có thể hiểu đây chính là thái độ ghê sợ, định kiến của xã hội đối với nhóm người đồng tính.
Nguyên nhân của điều này có thể do xuất phát từ niềm tin tôn giáo khi tôn giáo đó có thái độ phản đối hành vi đồng tính, do thiếu hiểu biết, thiếu những trải nghiệm tiếp xúc với người đồng tính hoặc do những cảm giác chủ quan mặc định việc căm ghét người đồng tính.
Hội chứng trên bao gồm chứng tự sợ đồng tính và chứng ghê sợ đồng tính.
- Về chứng tự sợ đồng tính luyến ái:
Đây là thái độ tiêu cực, cảm thấy sợ hãi với xu hướng tình dục của bản thân khi phát hiện mình là người đồng tính.
Nguyên nhân của hội chứng tự sợ trên là do những định kiến xã hội, truyền thống đạo đức, tình cảm, niềm tin tôn giáo hoặc tâm trạng lo sợ khi bị phát hiện là người đồng tính luyến ái.
Nỗi sợ hãi, lo lắng trên khiến họ thường xuyên cảm thấy bị tổn thương, mặc cảm, tự ti và cô lập dẫn đến việc sử dụng rượu bia, ma túy, quan hệ tình dục bừa bãi, nguy hiểm hơn là dẫn đến việc tự tử.
- Về chứng ghê sợ đồng tính luyến ái:
Đây là những phản ứng gay gắt của xã hội đối với người đồng tính thông qua sự phân biệt đối xử trong công việc, trong các sinh hoạt xã hội, các hành vi bạo lực, bạo dâm, giết người đồng tính, chế giễu, khinh bỉ, miệt thị người đồng tính.
Tại Vương quốc Anh, quan hệ đồng tính đã được xóa khỏi danh sách tội phạm vào năm 1967 và đến năm 2004, Nghị viện nước này đã thông qua việc kết hợp dân sự giữa những cặp đôi đồng tính.
Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy 2/3 học sinh đồng tính nước này đã từng bị bạo hành ở trường học dưới nhiều hình thức khác nhau như: chửi bới, bị tấn công, những người trưởng thành bị ức hiếp tại nơi làm việc hoặc gặp các rào cản khi muốn tham gia Nghị trường.
Tại Mỹ, nhiều người còn cho rằng đồng tính luyến ái là một hiện tượng trái tự nhiên, xã hội còn thiếu nhân ái với họ. Theo thống kê của FBI, trong các vụ tấn công do thù ghét có 15,6% là do kì thị người đồng tính.
Năm 1998, vụ án sinh viên Mathew Shepard bị giết hại vì là người đồng tính gây chấn động dư luận Mỹ là một điển hình về tính nguy hiểm của các hành vi ghê sợ đồng tính luyến ái. Bên cạnh đó, một số quốc gia còn cho phép tử hình những người đồng tính.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) về sự kì thị người đồng tính nam cho thấy: 1,5% đã bị đuổi học khi bị phát hiện là người đồng tính; 4,1% bị kỳ thị về vấn đề nhà ở; 4,5% từng bị tấn công và bị đánh đập vì là người đồng tính; 15,1% cho biết bị gia đình chửi mắng vì là người đồng tính.
Một nghiên cứu khác về sức khỏe và tinh thần của người nam quan hệ với người cùng giới đã đưa ra một số biểu hiện của thái độ kì thị người đồng tính như: định kiến và phân biệt đối xử, lăng mạ và bạo hành thể xác ở gia đình, chê cười tại trường học, sa thải hoặc từ chối tuyển dụng tại nơi làm việc, gây áp lực phải lấy vợ và có con.
Một số người đồng tính còn kì thị với chính bản thân, coi mình mắc bệnh kinh niên và dị thường hoặc có suy nghĩ hoặc hành động tự tử.
Hội chứng sợ đồng tính luyến ái đã dẫn đến những hậu quả tiêu cực, đe dọa đời sống tinh thần và sức khỏe người đồng tính khiến cho việc hòa nhập xã hội của họ gặp nhiều khó khăn.
Sự gia tăng hay ngầm không phản đối những hành vi kỳ thị trên đồng thời là dấu hiệu đi xuống của đạo đức khi con người mặc nhiên để những điều bất công đó được tồn tại.
>>Xem tiếp: Công khai xu hướng tình dục của người đồng tính
Trương Hồng Quang