“Một ngày làm ở Sài Gòn bằng người ngoài quê làm cả năm” đó là câu nói của một anh hàng xóm chỗ tôi trọ. Anh vào Sài Gòn đã hơn 12 năm. Mới đầu anh làm nghề bán muối, sau đó buôn bán nhiều thứ nữa, kiếm được nhiều tiền. Nhưng việc tiêu xài cũng tăng không kém so với mức độ kiếm tiền.
Một phần anh gửi về nhà để lo cho mấy đứa em ăn học và phụ giúp gia đình. Còn lại để ăn nhậu, cờ bạc, cá độ đá banh...
Anh tiêu tiền để chứng tỏ sự thành đạt, thể hiện "đẳng cấp" và cũng muốn hưởng thụ một phần nào những gì thiếu thốn ở quê. Có nhiều người như anh, lúc đầu nghĩ vào Sài Gòn làm vài năm có tiền rồi về. Nhưng đã có mấy ai thực hiện lời hứa lúc lên đường?
Quê tôi nằm ở phía tây huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - miền Trung Việt Nam. Mọi người như dòng thác đổ xô vào Sài Gòn kiếm sống. Họ làm những việc lao động chân tay hoặc buôn gánh bán bưng với hàng rong, mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn
Giống như bao làng xóm nghèo khác ở “khúc giữa nghèo” này, quê tôi không có đất đai màu mỡ mà được "ưu đãi" những trận thiên tai, lụt lội, thường cuốn đi thành quả một mùa làm việc, hoặc thậm chí là một đời của một hộ gia đình.
Trung bình mỗi hộ khoảng 4-5 người con. Đất đai đã quá nghèo nàn lại chật chội không đủ nuôi sống bấy nhiêu con người. Bọn trẻ khi học hết cấp 2 nếu gia đình có điều kiện sẽ cho con học tiếp, hoặc bỏ trường lớp vào Nam kiếm sống. Và những người học lên cao sẽ không quay về tỉnh làm việc mà theo tiếng gọi của tuổi trẻ lưu lạc khắp nẻo nơi.
Và họ vào Sài Gòn, thành phố năng động nhất nước. Người dân trong Nam vốn nhiệt tình, thân thiện và cũng ham tiêu xài. Tiêu xài là động lực để sản xuất để tăng trưởng.
Ở Sài Gòn người ta có thể làm tất cả để tồn tại. Có người khi ở quê thì chăn trâu, cắt cỏ, cuộc sống rất đỗi êm đềm, nhưng vào đây họ tiếp xúc với nhiều người, học được nhiều kỹ xảo trong buôn bán làm cho con người lanh lẹ hẳn ra.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy một người hàng xóm của tôi. Ngày trước ở quê anh rất đỗi bình thường, vậy mà vào Sài Gòn thành một người khác hẳn với cái miệng giỏi buôn bán làm ăn. Anh ta có thể kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Ở quê giờ chỉ còn lại những cặp “vợ chồng mới cưới” tuổi 50-70, bởi con cái của họ bay nhảy khắp nơi, để lại nhà cửa ruộng vườn cho cha mẹ lo. 8h tối, khi bản tin thời sự kết thúc thì đó cũng là âm thanh cuối cùng trong ngày. Người ta có thể nghe tiếng xe máy ở xa đó 1 km, chứng tỏ ở đây yên tĩnh và buồn tẻ đến mức nào.
Quê giờ đã có rất nhiều căn nhà khang trang được xây dựng nhờ tiền của những người xa quê gửi về. Nhưng xây nhà rộng làm gì khi không có người ở?
Những người có trình độ rời cái mảnh đất ấy để học tập và rồi không trở về.
Họ đã ở quá lâu ở đây? Họ quen với nếp sống Sài Gòn và muốn vươn tới sự nghiệp cao xa hay ở quê chẳng có việc gì phù hợp với họ? Không chịu trở về nên vùng quê nghèo vẫn nghèo.
Nghèo đói - thiếu kiến thức - ly hương- không hẹn ngày trở về? Tôi tự hỏi một vài năm nữa khi lớp người già không còn thì ai sẽ là người ở quê? Và quê hương tôi ơi bao giờ thay đổi?
Phan Trọng Thức
Chia sẻ những câu chuyện của bạn về mưu sinh ở Sài Gòn tại đây.