Đọc bài " Đường sắt cao tốc - ý tưởng của những người thích đùa", người ta được biết rằng về công nghệ, việc xây dựng đường sắt cao tốc không là vấn đề gì quá lớn. Chắc là các nhà công nghệ cũng tính toán tới điều kiện vận hành đường sắt cao tốc và tàu ở nơi nhiệt đới gió mùa và có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Vấn đề then chốt là tiền ở đâu để làm dự án này. Bài viết cho thấy tác giả Trần Đình Bá không hiểu nhiều về kinh tế thị trường hiện đại.
Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, kinh tế toàn cầu 2008 – 2009 làm cho bất kỳ ai có một chút quan tâm tới kinh tế cũng phải quan tâm đến việc tiếp cận các gói kích cầu. Bằng động tác dùng 17.000 tỷ VND hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng của chính phủ Việt Nam trong năm 2009 đã từ 17.000 tỷ VND nhân lên thành 445.000 tỷ VND, tức là từ 1 tỷ USD tạo thành 25 tỷ USD. Đây là một thực tế mà bất kỳ ai quan tâm một chút tới hoạt động kinh tế đều biết. Điều đó chứng tỏ rằng có cách thức tạo ra tiền cho xã hội. Vấn đề là nền kinh tế thị trường hiện đại còn có nhiều cách thức tạo ra tiền nữa. Có những cách thức công khai, có những cách thức bí mật.
Nền kinh tế thị trường hiện đại có nhiều cách thức tạo ra tiền cho xã hội, có thể nói xã hội cần bao nhiêu tiền thì người ta có thể tạo ra cho xã hội lượng tiền đó, mà giới hạn của sự tạo ra tiền là lạm phát, là sự chống phá của các thế lực tạo ra tiền ở các nước khác trên thế giới, mà một trong những biện pháp chống phá là gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, kinh tế ở các nước, các khu vực, thậm chí là toàn cầu.
Quy mô việc tạo ra tiền là như thế nào? Trong bài viết “Đi tìm một cái gì đó” đăng trong tạp chí Tài chính số 2/1999, tức là đã cách đây hơn 11 năm, Giáo sư Cao Cự Bội đã đưa ra các số liệu là ở các nước ASEAN, quay vòng ngân sách là 3 – 4 vòng/năm, ở Mỹ là 10 vòng/năm. Trong khi đó ở Việt Nam ngân sách có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, không quay thêm được một vòng nào. Tức là ở trình độ của các nước phát triển hàng đầu trong ASEAN hơn 11 năm về trước, với ngân sách là 30 tỷ USD/năm thì có thể tạo ra cho nền kinh tế số tiền 90 tỷ USD đến 120 tỷ USD/năm. Nếu ở trình độ của nước Mỹ khi đó với ngân sách là 30 tỷ USD/năm thì có thể tạo ra cho nền kinh tế số tiền 300 tỷ USD/năm. Với trình độ cách đây hơn 10 năm, có thể tạo ra được lượng tiền như thế bơm vào xã hội thì hiện nay và những năm về sau, trình độ tạo ra tiền và lượng tiền bơm vào xã hội còn nâng cao hơn nữa. Như vậy, với quy mô ngân sách của Việt Nam hiện nay và sẽ tăng lên trong những năm tới, hàng năm tạo ra cho nền kinh tế hàng trăm tỷ USD là nằm trong tầm tay, nếu biết cách.
Xã hội hoá sâu rộng trong mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế xã hội là một phương thức có tầm quan trọng đặc biệt để bơm được lượng tiền hàng trăm tỷ USD vào xã hội. Để có thể tạo ra và bơm được hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế một cách có hiệu quả, thì cần phải có những dự án lớn, siêu lớn mà có tầm tác động kinh tế - xã hội rộng khắp.
Một dự án lớn, tầm cỡ quốc gia được Chính phủ trình ra Quốc hội bao giờ cũng ẩn chứa những động thái xã hội lớn lao để dự án cần phải thực hiện, và các nguồn lực để dự án thành công là nằm trong tầm tay của Chính phủ, của xã hội..
Nguyễn Bình Giang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Kinh tế Tri thức