Sau ba tháng tìm hiểu và phân tích các nghành nghề. Tôi quyết định mở nhà hàng bán bún chả với sự hỗ trợ của bà cô đang bán chả chan rất thành công (một ngày cô bán được cả hơn tạ bún ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh).
Tôi lên kế hoạch kinh doanh chi tiết và quyết định chọn địa điểm trên một con đường Hà Nội mở nhà hàng bán kết hợp chả chan Bắc Ninh và bún chả Hà Nội để có thể bán được cả buổi sáng và trưa. Vì tôi được biết tuyến đường này nổi tiếng là phố hàng ăn ở Hà thành.
Sau hai tháng mở cửa, thực hiện các phương án kéo khách nhưng lượng người ăn sáng ở đây rất ít, chủ yếu là buổi trưa nhưng lượng khách không đều. Khi đó, tôi mới chết vì tội mấy ngày khảo sát, chỉ đi buổi trưa nên cứ ngỡ là đông người.
Thấy tôi mở quán gặp nhiều khó khăn, cô tôi bảo đóng cửa. Nhưng tôi không muốn bỏ cuộc vì bao nhiêu tâm huyết và tiền bạc của tôi đã đổ vào cho việc sửa chữa quán, thuê mặt bằng, nhân viên… hết gần 400 triệu đồng. Trong khi quán chưa thu lại được gì.
Tôi nghĩ đến phương án liên hệ các phương tiện truyền thông để làm quảng cáo. Không ngờ với biện pháp này đã giúp tôi vượt qua được khó khăn bước đầu. Quán ăn của tôi dần dà trở nên đông khách hẳn, điều này làm tôi hi vọng nhiều lắm.
Nhưng chỉ được gần hai tháng, thì bao nhiêu rủi ro ập đến. Bọn 'bảo kê' xuất hiện, chúng đe dọa nếu không nộp tiền thì sẽ không để tôi yên ổn làm ăn. Thế là tháng nào quán tôi dù lỗ hay lời vẫn phải trích một khoản tiền nộp cho mấy ông trời đó.
Rồi đến chuyện thời tiết nắng to, nhiệt độ lên đến 39 độ C, lượng khách sụt đi một nửa, tôi chẳng hiểu tại sao? Hỏi vài người thì được biết trời nắng, mọi người ngại ra ngoài nên đều mang theo cơm nhà nấu.
Trong khi, thời gian thuê mặt bằng của tôi chỉ là hai năm, mà khả năng thu hồi lại được vốn thì rất thấp. Sự việc trên làm tôi rất đau đầu lo nghĩ: lỡ sau hết hợp đồng chủ nhà lấy lại mặt bằng thì tôi phải làm sao?
>> Xem thêm: Tôi bỏ đại học năm thứ 4 để bắt đầu lại ước mơ
Dương Anh Tuấn
Chia sẻ những bài viết của bạn về đời sống xã hội tại đây.