Chuyện kể có 1 cái chung cư rất lớn, thiết kế 25 tầng, mỗi tầng có 8 nhà, mỗi nhà có tận 250m vuông và chỉ có 3-6 người sống trong 1 nhà. Mọi người sống rất vui vẻ và thoải mái, cái thang máy hoạt động bình thường, ai cũng có thể lên, xuống liên tục mà chỉ phải chờ vài phút.
Nhưng vì an ninh tốt, tầng thượng lại có siêu thị bán đồ giá rẻ, trên đó còn có cả bệnh viện gồm có rất nhiều bác sỹ giỏi, còn có một trường học từ cấp 1 tới hết đại học chất lượng cao, học sinh đi thi quốc gia, quốc tế đọat giải không biết bao nhiêu mà kể, nhà tại đó nhiều nhà giàu, trả tiền cho người giúp việc rất cao. Kết quả là rất nhiều người muốn vào tòa nhà đó sống, có người không sống được thì cũng ra vào liên tục để đi chợ, chữa bệnh, học tập, kiếm tiền. Có người thấy nhà mình rộng nên chia nhỏ để bán lấy tiền tiêu sài. Kết quả là có nhà chỉ có 50m vuông nhưng lại có gần chục người ở trong đó.
Diện tích không tăng nhưng người thì tăng theo cấp số nhân. Và kết quả không thể tránh khỏi là thang máy quá tải, người muốn đi thang phải chờ vài tiếng để đi từ tầng của họ tới nơi họ muốn. Thang bộ được xây bên ngoài tòa nhà, cái thang này không có mái che nắng, càng không có mái che mưa, khu vực này lại có nhiều mưa đá nên đi thang bộ lúc nào cũng phải đội mũ bảo hộ kẻo vỡ đầu. Thang bộ cũng dần trở nên quá tải vì quá đông người nên dịch vụ phát triển, nhiều người không phải dân trong tòa nhà nhưng hàng ngày vẫn chạy vào lấn chiếm hành lang, cầu thang bộ để bán hàng kiếm sống, một số nhà quá chật nên để đồ đạc, giường chiếu lên , để hàng…
Hậu quả tất yếu là mâu thuẫn nảy sinh giữa nhà giàu, nhà nghèo. Người có tâm huyết thấy bất lực, người có tài thì bỏ nơi chôn rau cắt rốn để đi tới tòa nhà khác sinh sống, sau chục năm, tòa nhà giờ đã trở nên nhếch nhác, rác bừa bãi, người giàu khó chịu, người nghèo túng thiếu nên sinh ra cướp giật, trộm cắp, những kẻ yếu thì bị bắt nạt, những kẻ mạnh thì cậy sức của mình nên càng lấn chiếm, cướp bóc của những kẻ yếu hơn…
Ban quản lý (BQL) tòa nhà đầu tiên quyết định giờ được ra khỏi nhà và giờ về của trường học, bệnh viện, siêu thị. Trong khi những người rất có kỷ luật thì lại bị lệ thuộc vào khuôn khổ quá mức thì những người vô kỷ luật lại chẳng hề bị quản lý gì, họ có thể đi lại thoải mái vì họ vào để kinh doanh tự do, không phải đi học, không phải đi làm. Chính họ là người đi lại nhiều nhất, họ bê đồ đạc nhiều nhất, mang nhiều hàng hóa nhất, đi lại nhiều tầng nhất, bấm thang máy lung tung nhất. Kế đến là những người vào tòa nhà chỉ để chơi, họ đi lung tung, tầng nào cũng dừng lại để ngắm, vừa ngắm vừa giữ thang máy, ngắm chán thì mới chịu nhả để lên tầng khác… ngắm tiếp. Cuối cùng thì giải pháp này cũng chẳng ăn thua gì.
Tiếp theo, BQL tòa nhà quyết định toàn bộ các gia đình phải nộp phí sử dụng thang máy và thang bộ. Thang máy thì phải trả 20tr/năm, thang bộ phải trả 500k/năm. Một số người vẫn cần đi thang máy vẫn phải đi nên họ vẫn nộp phí. Sau khi nộp phí, họ cảm thấy họ phải đi cho đã, họ phải chở hàng hóa cho thật đầy thang vì họ đã đóng phí rồi. Mọi người đổ dồn đi thang bộ. Kết quả là thang máy có ít người đi thật nhưng thang bộ trở nên quá tải vì ai ai cũng đi thang bộ. Giải pháp thu phí này quả thực giúp cho BQL có thêm tiền. Sau vài năm, từ nguồn kinh phí này thì BQL có thể xây thêm 1 cái thang máy công cộng nữa, nhưng để xây được cái thang máy công cộng này, BQL đã cắt bớt thang máy cá nhân. Dành nửa số không gian của thang máy cá nhân để làm thang máy công cộng. Đối tượng phục vụ của những thang máy công cộng mới này đa số là người bên ngoài chứ người bên trong tòa nhà gần như không được lợi tẹo nào từ cái thang máy công cộng này.
Sau 1 kỳ Tết, khi BQL vô tình bị kẹt thang máy nên phải ở lại tòa nhà tới hết mùng 1. BQL nhận ra rằng khi những người vãng lai nhà rời tòa nhà trong vài ngày thì chẳng cần giải pháp gì sất, tự nhiên thang máy thông suốt, cư dân lại có được những phút giây sung sướng và thoải mái trong ngôi nhà của mình như lúc ban đầu trong vài ngày ngắn ngủi.
Lúc này, BQL mới mạnh dạn quyết định chuyển trường học, bệnh viện, siêu thị ra khỏi tòa nhà, tới những tòa nhà bên cạnh, những tòa nhà cũng thuộc sở hữu của BQL nhưng thấp tầng, hiện tại có rất ít người ở, đìu hiu và đặc biệt là ít tầng nên chẳng cần thang máy, chỉ đi vài phút thang bộ là có thể đi từ tầng 1 tới tầng cao nhất.
Ngoài ra, BQL xây riêng những khu hành lang rộng rãi để mọi người thoải mái buôn bán, kinh doanh. BQL cấm hết những hộ lấn chiếm thang bộ, để đồ, bán hàng. Tuy trong tòa nhà của BQL có rất nhiều họ hàng, rất nhiều những hoàn cảnh đáng thương nhưng BQL chấp nhận bị một số người ghét, bị một số người xỉ vả để thực hiện những kế hoạch về lâu về dài rất có lợi cho tất cả mọi người.
Chỉ sau 1 năm, kết quả tòa nhà đó như thế nào thì ai cũng đoán ra nên tôi cũng không cần phải miêu tả.
Thử tưởng tượng Hà Nội của chúng ta là cái chung cư đó, tôi chỉ hy vọng “BQL” có thể vạch ra những quyết sách hợp lý thay vì cứ đưa ra những quyết sách mang tính hình thức, nhất thời. Các thành phố vệ tinh quanh Hà Nội như Nam Định, Phủ Lý, Sơn Tây, Việt Trì, Hải Dương còn quá rộng rãi, thoải mái. Tại sao cứ tập trung hết về Hà Nội để rồi phải giải quyết bài toán tắc đường và bất ổn xã hội ?
Lã Minh Ngọc