Chúng ta cần phân biệt biên chế cán bộ công chức, viên chức ở đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp. Số lượng biên chế hiện nay của đơn vị sự nghiệp là rất lớn, tập trung ngành giáo dục và y tế. Ở cấp huyện hiện nay, biên chế hành chính thì biến động trong khoảng từ 80 đến 100 biên chế.
Trong khi đó riêng khối sự nghiệp giáo dục, y tế thì tùy theo đầu dân số và số lượng học sinh, ước tính biên chế cho các ngành giáo dục và y tế gấp từ 20 lần trở lên so với biên chế hành chính cấp huyện. Nếu như ở các đô thị lớn đông dân cư thì biên chế cho khối này còn gấp nhiều lần hơn nữa.
Trong thời gian vừa qua, để thực hiện chủ trương trong việc xã hội hóa đối với ngành giáo dục, y tế, chúng ta đã chuyển một số trường công lập thành tư thục, đồng thời có nhiều nhà đầu tư đã xây dựng các trường tư thục từ hệ mầm non mẫu giáo đến các trường đại học, cũng có nhiều bệnh viện tư nhân đi vào hoạt động có hiệu quả .
Việc thực hiện đó đã góp phần giảm chi tiêu ngân sách nhà nước, đáng lẽ phải được bố trí hàng năm để chi trả lương, xây dựng cơ sở vật chất cho trường học và bệnh viện.
Tuy nhiên số lượng cơ sở giáo dục, y tế qua chủ trương xã hội hóa hiện có rất khiêm tốn. Đối với các tỉnh, thành phố lớn đông dân cư như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh …dễ dàng kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện, nhưng đối với cấp huyện, nhất là đối với huyện thuộc vùng núi cao, trung du, hải đảo, việc triển khai thực hiện xã hội hóa rất khó khăn.
Có huyện cố gắng thực hiện nhưng không hiệu quả vì hầu như các huyện vùng núi tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều, gia đình có con đi học còn nhiều khó khăn, chưa có khả năng đóng góp tiền học phí cũng như các khoản quy định khác của nhà trường giống như các trường tư thục ở các thành phố lớn.
Chính vì vậy, hầu như các huyện miền núi phải bao cấp ngân sách nhà nước cho các ngành giáo dục, y tế.
Hiện nay Nghị định số 13, 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên qua xem xét các sở ban ngành của tỉnh, trước đây có các phòng ban trực thuộc sở cùng làm việc trong trụ sở, biên chế chỉ có từ 5 đến 7 công chức.
Nhưng hiện nay nâng cấp rất nhiều các phòng ban thành các Chi cục trực thuộc sở, bộ máy rất cồng kềnh biên chế phải từ 20 công chức trở lên, ngoài ra phải xây dựng trụ sở riêng để hoạt động, rõ ràng rất tốn kém ngân sách nhà nước.
Một sở nông nghiệp phát triển nông thôn của một tỉnh có đến gần 10 chi cục trực thuộc , tương tự các sở khác như sở y tế, sở công thương vv…Nếu tính trong phạm vi cả nước không biết số lượng biên chế các chi cục là rất lớn.
Đối với các bộ ban ngành của trung ương theo quy định cũng có các cục, vụ, viện vv… trực thuộc, tuy nhiên hiện nay cũng thành lập rất nhiều các đơn vị Tổng cục trực thuộc bộ.
Xem xét tình hình thực tế của bộ máy hành chính sự nghiệp của nước ta hiện nay, tôi xin đề xuất giải pháp hướng tinh giảm biên chế để có nguồn để cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Trước tiên đối với đơn vị hành chính các cấp, nên xem xét rà soát lại chức năng nhiệm vụ các chi cục trực thuộc sở, nếu thật cần thiết thì để lại, còn nên chuyển thành các phòng trực thuộc sở, vì trước đây các phòng ban cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nếu thực hiện được chắc chắn biên chế hành chính trong cả nước sẽ giảm đi rất nhiều. Còn đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế , cần rà soát lại các địa phương nào có điều kiện thực hiện được xã hội hóa giáo dục, hoặc bệnh viện thì đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa, từng Bộ giáo dục và Bộ y tế phải có lộ trình thời gian cụ thể.
Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên trong thời gian tới sẽ có nguồn cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức viên chức nhà nước.
Minh Trí