Người gửi: Đặng Thị Thu Thủy
Chào anh Luật!
Chiều nay tình cờ đọc trang viết của anh phản ảnh về một mẫu quảng cáo xà phòng...
Ông bà mình nói chẳng sai: chín người mười ý.
Theo nhận định của cá nhân tôi và tham khảo từ một số đồng nghiệp (cũng trong ngành quảng cáo) thì mẫu quảng cáo trên không hề "phi giáo dục" như cách nói của anh.
Trái lại, đây là một mẫu quảng cáo rất tình người. Ở đó, tôi nhìn thấy tình cảm của một bà mẹ dành cho cậu con trai bé nhỏ, và cái cách mà cậu luôn biết ơn mẹ của mình. Hay nói khác hơn, mẹ chính là động lực, là sức mạnh để khi "chỉ còn 5 phút" thì cậu bé lại lấy cái khăn có dòng chữ "cố lên, con trai" đầy yêu thương của mẹ để có tinh thần làm bài tiếp.
Tôi nhớ, tôi đã từng đọc một câu chuyện cảm động về vị giám đốc đã cố đổi cho được hộp cơm ngon lành của mình để lấy hộp cơm bình thường của cô thư ký vì hộp cơm ấy có mấy dòng nhắn nhủ yêu thương của mẹ.
Mỗi bà mẹ đều có những "cách riêng" để truyền tải yêu thương đến những đứa con bé bỏng của mình và thông điệp đầy yêu thương trong mẫu quảng cáo đó cũng là một cách hay đấy chứ! (Có lẽ khi có con trai, tôi cũng sẽ "học hỏi" cách này để con trai tôi luôn có cảm giác mẹ lúc nào cũng ở cạnh bên mình).
Anh Luật ơi!
Anh không nhận ra rằng cái nháy mắt cuối đoạn quảng cáo của cậu bé là rất tinh nghịch, rất trẻ con và đầy tự hào về người mẹ yêu quý của mình hay sao? Cái nháy mắt đó hoàn toàn không có một chút gì hỗn xược như anh nghĩ mà trái lại, thật dễ thương!
Còn cô giáo của cậu, chắc chắn đã rất cảm động khi xem chiếc khăn mà ban đầu cô nghĩ là tài liệu đó (dĩ nhiên chỉ khi tình huống này có trong đời thật).
Thật oan và không công bằng khi dùng hai từ hỗn xược dành cho cậu bé đáng yêu đó.
Vài dòng chia sẻ với anh Paven Lê Văn Luật!