“Hối hận!” có lẽ đó là cảm xúc chung nhất của những người còn nhân tính sau khi vừa phạm lỗi lầm. “Căm hờn,” nhưng cũng có khi là “tiếc nuối,” là thứ mà những người xung quanh dành cho đối tượng vừa phạm tội. “Xót xa, thương tiếc” là cảm xúc mà mọi người dành cho nạn nhân của những vụ việc này.
Rất nhiều khi trong cuộc đời ta thường nói “cũng may, vẫn còn cơ hội để sửa chữa!” Nhưng cũng rất nhiều khi cơ hội để làm lại là không thể đối với cả phạm nhân và nạn nhân của những vụ việc nghiêm trọng. Lời đã nói, tên đã bắn thì khó mà thu lại được.
Những lỗi lầm nghiêm trọng dù vô tình (bột phát) hoặc cố ý (được chuẩn bị trước), hay những tai nạn đáng tiếc khi đã xảy ra thì không còn cơ hội để làm lại. Thật xót xa và tiếc nuối biết bao.
Giá như trên cuộc đời thực này cũng có những nút “undo” hay có thể nhấn “ctrl z” như trong máy vi tính để lùi lại một bước thì hay biết mấy. Nhưng điều đó lại là không tưởng. Vậy phải làm sao đây?
Ôn cố tri tân, từ những sự việc đau lòng đã xảy ra, chúng ta thử nghiêm túc và sâu sắc suy xét xem căn nguyên của vấn đề từ đâu mà ra.
Ở phía các phạm nhân, có lẽ hầu hết họ đều có cảm giác hối hận và lo sợ sau khi đã phạm tội (trừ những trường hợp mất hết nhân tính). Nhưng nhiều khi sai lầm lại nối tiếp sai lầm như một lối thoát cuối cùng mà họ nghĩ có thể che dấu hành động phạm tội của mình: phạm tội xong rồi phải tìm cách che dấu, phi tang dẫn đến những lỗi lầm càng trở nên man rợ hơn.
Thế nhưng có lẽ họ không nhận thức được rằng, dù có cố tình che giấu đến đâu thì dường như tội lỗi của họ cũng vẫn bị phanh phui và họ vẫn phải trả giá thích đáng cho hành động của mình.
Vậy tại sao không nghĩ kỹ trước khi hành động? Không tự răn mình rằng sẽ chẳng có lối thoát nào cho hành động phạm tội man rợ cả? Tại sao không lường trước được kết cục của hành động phạm tội của mình? Có lẽ những người này chưa từng bao giờ thử nghĩ đến những tình huống đó và cũng chưa từng được giáo dục về điều đó.
Vì thế đã có nhiều ý kiến băn khoăn về hệ thống giáo dục của mình còn khuyết và yếu ở những điểm như thế này. Chắc chắn chỉ có tăng cường giáo dục nhân cách, lối sống và những kỹ năng sống cơ bản ngay từ trong nhà trường thì mới có thể có tác dụng rộng khắp đối với đông đảo mọi người, mới ngấm dần vào mỗi người để nó trở thành một kỹ năng sống cơ bản, một phản xạ (gần như) không điều kiện của mỗi người.
Có lần tôi giật mình khi nghe một anh bạn than thở rằng: bao nhiêu nạn nhân bị chết đuối vì chẳng biết bơi, giáo dục thể chất trong nhà trường của mình toàn dạy những cái ở đâu đâu thôi, nào là nhảy cao, nhảy xa, xà đơn, xà kép… còn những kỹ năng sinh tồn cơ bản của con người như bơi lội thì lại chẳng đưa vào! Rõ ràng đây là vấn đề mà các nhà quản lý giáo dục phải quan tâm!
Cũng từ góc nhìn chia sẻ với những phạm nhân, phần lớn họ cũng rơi vào những bế tắc đường cùng để rồi phải phạm tội và trọng tội. Có cảm giác rằng những người này trước khi phạm tội đã không tìm được ai để chia sẻ khó khăn của mình, để tìm cho mình một lối thoát khác tốt hơn. Khi phạm tội rồi, có lẽ phần đông họ cũng mong muốn cho thời gian có thể quay ngược trở lại. Rõ ràng, họ cũng thật đáng thương!
Ở đây, các gia đình phải quan tâm hơn tới con em của mình, phải cố gắng có cái nhìn chia sẻ và gần gũi. Để con cái coi mình là bạn để tâm sự là một thắng lợi, còn để chúng chỉ sợ, xa lánh và giấu giếm mình là một điều thất bại. Các đoàn thể, cơ quan và bạn bè cũng vậy, có điều kiện hiểu, chia sẻ khó khăn và giúp đỡ nhau là điều rất cần thiết.
Còn đối với các nạn nhân, đương nhiên họ đều là những người chịu thiệt thòi và đáng thương nhất trong những vụ phạm tội. Chúng ta luôn cảm thấy thương xót, nhưng nhiều khi cũng tiếc nuối cho họ bởi họ cũng quá chủ quan, quá mất cảnh giác để rơi vào tình huống bị hại trong các vụ án này.
Đã có bao nhiêu vụ cướp tiệm vàng xảy ra giữa ban ngày, giữa trung tâm đông đúc, vậy mà sao bà Bắc vẫn mở cửa hàng khi chỉ có một mình. Rồi kinh doanh vàng bạc như tiệm vàng Ngọc Bích – Bắc Giang mà sao cửa nhà vẫn rất sơ sài để kẻ cướp có thể đột nhập dễ dàng? Rõ ràng nhiều người trong chúng ta còn rất chủ quan, mất cảnh giác, tạo điều kiện cho kẻ xấu hoành hành và tội phạm phát sinh.
Vì vậy, bên cạnh việc người dân phải biết tự bảo vệ mình, có lẽ chính quyền các cấp, lực lượng công an, đặc biệt là lực lượng cảnh sát khu vực phải chú ý hơn nữa và tăng cường nhắc nhở nhân dân đề cao cảnh giác, lường trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Đừng để khi sự việc xảy ra rồi mới tiếc nuối “giá như…” Dù rằng “người biết hối hận cũng vẫn còn là một người tốt,” nhưng “người luôn luôn hối hận thì lại không phải là một người tốt!” Hãy suy nghĩ và hành động đúng đắn khi còn chưa quá muộn! Vì trên đời thực của chúng mình đâu có cho phép thời gian quay ngược, đâu có nút “Undo!”
> Đừng chống cự khi bị uy hiếp tính mạngPhạm Hưng Hùng