Chúng ta không thể chấp nhận một thực tế nhức nhối là nhiều người thiếu ý thức hàng ngày cứ xả rác bẩn ra môi trường công cộng nơi đô thị. Từ người già cho đến trẻ em đang cắp sách tới trường.
Trong khi người công nhân quét và thu gom rác miệt mài làm việc, thì ngay sau đó sẽ có người ngang nhiên vứt rác ngay ra đường.
Ngày nào như ngày ấy, cả thành phố xinh đẹp thân yêu của chúng ta thành nơi xả rác công cộng. Rác luôn rình rập có ở khắp mọi nơi trên mặt đường, vỉa hè, miệng cống…. bất cứ đó là con đường lớn hay nhỏ.
Có phải trong xã hội chúng ta đã và đang tồn tại một thái độ vô cảm trong ý thức bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta? Sự thờ ơ vô trách nhiệm xuất phát từ lợi ích cá nhân, vị kỷ.
Không kể những người nghèo khổ ít học mà ngay cả cả tầng lớp văn hóa tri thức cao cũng hàng ngày vô tư cầm bọc rác nhà mình quăng ra đường, xuống lòng kênh… Còn chính quyền thì không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, xử phạt.
Người ngồi trên xe khách, ô tô sang trọng cũng xả rác xuống đường rất tùy tiện, gây nên sự phản cảm nhức nhối cho những ai có ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội.
Tôi xin kiến nghị một số vấn đề cơ bản để làm nên bộ quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta như sau:
1/ Báo đài nên nói chuyện này liên tục:
Đặc biệt trên truyền hình cần sản xuất nhiều video clip mô tả hình ảnh, hành vi xả rác vi phạm pháp luật ở mọi góc độ khác nhau trong đời sống xã hội thường ngày. Từ đó giáo dục, nâng cao ý thức cho mọi người dân hướng về lợi ích cộng đồng, cùng nhau xây dựng môi trường sống ngày thêm tốt đẹp hơn. Đây là công việc cần làm ngay và thường xuyên, mà không quá khó khăn.
2/ Chính quyền đô thị thành phố thông qua cấp quận, huyện, phường, xã xây dựng ngay bộ quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường, điều chỉnh hành vi mọi công dân. Mỗi người phải thực hiện việc bảo vệ môi trường xanh nói chung và môi trường sống nơi mình đang ở nói riêng.
Mọi hành vi xả rác phải được pháp luật điều chỉnh, xử phạt nặng dưới nhiều hình thức bằng tài chính hoặc lao động công ích.
3/ Vận động người dân phối hợp cùng chính quyền đóng góp kinh phí vào những dự án có tính cộng đồng thiết thực bảo vệ môi trường như: phân loại rác thải, lắp đặt các thùng rác công cộng hợp quy chuẩn vệ sinh, điểm đặt hợp lý an toàn và chắc chắn. Cần có lịch thu gom rác đúng giờ quy định cụ thể trong ngày thông báo đến từng khu phố, nhà dân biết trước.
Lịch được in ra và phát đến từng hộ dân để thu gom rác hàng ngày, yêu cầu mọi hộ dân phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định.
4/ Chính quyền đô thị thành phố nên tổ chức một ngày thứ bảy trong tuần gọi là “Ngày vệ sinh môi trường", mang thông điệp tới mọi người rằng hãy hành động làm sạch môi trường vì sự bền vững cho tương lai đất nước.
Theo quy định chung về thời gian làm vệ sinh, từng tổ dân khu phố có quy định giờ cụ thể. Yêu cầu tất cả các hộ dân cư người tham gia làm vệ sinh khu phố nơi công cộng mà mình cư trú.
Đây là việc làm thiết thực, hiệu quả, xây dựng nên một trong nhiều tiêu chuẩn khu phố văn minh gia đình văn hóa mà chúng ta đang ra sức thực hiện.
5/ Tổ chức lại bộ máy quản lý đô thị một cách thống nhất, hợp lý, mang tính chuyên nghiệp cao. Đồng thời phân cấp trách nhiệm rõ ràng đến từng tổ chức, cá nhân, thực hiện quét, thu gom rác hàng ngày từ các hộ dân. Thu phí đủ và hợp lý để người công nhân quét và thu gom rác có thể sống và yên tâm làm việc.
6/ Đưa tiết học giáo dục công dân về bảo vệ môi trường thành môn học bắt buộc, nhằm rèn các em nhỏ có ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường sống ngay từ khi còn bé.
7/ Phân cấp mạnh và giao trách nhiệm cùng đầy đủ thẩm quyền cho cấp phường phụ trách địa bàn dân cư.
Hãy dang rộng cánh tay, hành động có lý trí một cách thiết thực nhất. Đó là: tuyệt đối không xả rác một cách vô ý thức dưới mọi hình thức. Đồng thời kiên quyết phản đối, xử phạt những hành động xả rác rất bừa bãi như hiện nay.
Phạm Ngọc Long
Chia sẻ bài viết của bạn về sự tàn phá môi trường tại đây.