Người gửi: Phan Bảo Lâm
Chúng ta hội nhập thế giới chưa lâu nhưng những gì diễn ra đối với khoa học công nghệ của ta trong thời gian qua làm cho tôi tạm đưa ra một kết luận mang tính chủ quan (nếu sai thì xin quý vị góp ý): nước ngoài có thể chuyển giao cho chúng ta các phương pháp quản lý mới nhất, các ngôn ngữ lập trình mới nhất nhưng không bao giờ chuyển giao những thành tựu mới nhất về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là bí quyết công nghệ chế tạo, dù những bí quyết này họ đã biết từ cả trăm năm trước.
Có người viết trên báo rằng tự hào với công nghiệp đóng tàu Việt Nam, có thể đóng những tàu chở dầu có trọng tải lên tới hàng trăm ngàn tấn. Nhưng chúng ta chỉ đóng được mỗi vỏ tàu. Chúng ta còn chưa chế tạo được một chiếc xe gắn máy hoàn chỉnh (phương tiện đi lại phổ biến nhất) thì nói gì đến những thứ cao siêu hơn.
Chúng ta phải tự mày mò nghiên cứu lấy thôi. Con đường này tuy khó khăn nhưng chúng ta là người đi sau chúng ta sẽ mất ít thời gian hơn người ta nếu chịu khó học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài.
Với mặt bằng khoa học kỹ thuật lạc hậu như hiện nay, chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Người ta bắt đầu từ đâu thì ta bắt đầu từ đấy. Đó là công nghiệp luyện kim. Chúng ta chỉ có các nhà máy cán thép sản xuất các sản phẩm chủ yếu phục vụ cho xây dựng. Thép dùng cho các ngành công nghiệp khác gần như phải nhập.
Đó là công nghiệp cơ khí chế tạo. Ngành công nghiệp này của ta chỉ sản xuất các dụng cụ cầm tay hoặc bán tự động. Chúng ta cần nghiên cứu nâng cao ngành này để sản xuất các loại máy móc, dây chuyền công nghiệp cho các nhà máy xí nghiệp của chúng ta theo hướng rẻ nhất, tiết kiệm tài nguyên nhất, năng suất cao nhất. Với sự phát triển của 2 ngành này tự nó sẽ đẻ ra các ngành khác, lĩnh vực khác.
Còn về nhân lực, Nhà nước phải có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài một cách thiết thực nhất. Về mặt thu hút nhân tài, Nhà nước phải tuyên bố sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất, trả lương cao nhất cho những nhà nghiên cứu khoa học ứng dụng thuộc lĩnh vực mà chúng ta đang cần nhất (không thể một lúc bao quát nhiều lĩnh vực ngay được). Như thế sẽ hướng người đi du học (cả tự túc và có tài trợ) chọn những ngành mà họ cho là có tương lai nhất khi quay về nước làm việc.
Về giáo dục đào tạo, cần biên soạn lại SGK phổ thông Toán, Lý, Hóa, Sinh theo hướng ứng dụng gần gũi với cuộc sống hơn là nặng về lý thuyết cơ bản. Cần đầu tư xây dựng các xưởng thực nghiệm, phòng thí nghiệm khoa học, chi phí nghiên cứu và giao đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực cho các đại học nghiên cứu.
Với các Viện nghiên cứu khoa học, Viện nào có tính đặc thù thì giữ lại, Viện nào không có thì giải tán, đưa cán bộ khoa học về các trường đại học để họ vừa dạy sinh viên vừa làm công tác nghiên cứu. Mỗi trường đại học phải có thế mạnh riêng về một lĩnh vực nghiên cứu nào đấy (vừa không làm phân tán chất xám, vừa hạn chế tối đa lãng phí trong nghiên cứu khoa học).
Trên đây là ý kiến chủ quan của tôi, chỉ mang tính tham khảo. Nếu chúng ta bắt đầu đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học từ bây giờ, tin rằng vài chục năm nữa, chúng ta có thể tự phóng được vệ tinh lên quỹ đạo, hiện đại hóa quốc phòng theo hướng tự chủ về trang bị nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội để gìn giữ biên cương lãnh hải của đất nước, phát triển kinh tế bền vững về mọi mặt, người dân có tư duy độc lập sáng tạo và cuối cùng là tài nguyên khoáng sản được khai thác để phục vụ cho chính chúng ta chứ không xuất thô đi đâu cả.