Tôi là con út một gia đình có truyền thống hiếu học. Bố mẹ là giáo viên, nhà có ba anh em trai thì hai anh cũng đều học tại các trường đại học có tiếng.
Lúc học phổ thông, tôi cũng là niềm tự hào của gia đình. Tôi học lớp chuyên của trường huyện. 19 tuổi tôi cũng khăn gói lên Hà Nội đi thi và đậu đại học.
Nhưng khi rời khỏi vòng tay cha mẹ, tôi không thể lường trước và không thể vượt qua những cám dỗ của tuổi trẻ... Vì mải chơi, nên chỉ mới hết năm thứ nhất tôi đã bị ngừng học một năm để học lại những học phần bị rớt.
Tôi chán nản, hoang mang, không dám nói với gia đình mà tiếp tục lún sâu vào các sai lầm. Cuộc sống, sự nghiệp của tôi tưởng chừng như đã đặt dấu chấm hết khi cuối năm đó tôi vẫn không trả được các môn phải học lại. Việc đó đồng nghĩa với bị thôi học. Tôi còn bị căn bệnh lao phổi. (Xem thêm: Không dám về nhà vì 7 năm chưa tốt nghiệp đại học )
Đến lúc này thì tôi không thể giấu gia đình được nữa. Mẹ đón tôi về trong nước mắt. Tôi thấy thương mẹ vô cùng và cảm thấy mình thật bất hiếu. Tôi rất ân hận.
Về nhà, tôi vào viện Lao của tỉnh điều trị khoảng hai tháng, sau đó bệnh viện cho về nhà và tự uống thuốc. Thời gian này mẹ luôn ở bên động viên và chăm sóc tôi. Nhìn những giọt nước mắt của mẹ khi cầm kim tiêm bơm thuốc vào bắp tay tôi mà tôi thấy thương mẹ vô cùng.
Sau một thời gian nhờ theo đúng phác đồ điều trị và sự chăm sóc của mẹ nên sức khoẻ của tôi đã tốt lên rất nhiều. Một hôm mẹ ngồi bên tôi và nói: "Con phải làm lại. Con đã đánh rơi tương lai giờ thì phải tự con tự tìm lại".
Sau hơn hai năm chỉ mải chơi, lúc nghe mẹ nói tôi không dám chắc mình còn có nhớ gì đến kiến thức đã học hay không... Nhưng mẹ vẫn luôn động viên và nói với tôi: "Không phải chỉ học ở những trường danh tiếng mới trở thành người có ích".
Mẹ khuyên tôi nên chọn một trường nào đó vừa sức mình và có ngành học mà mình yêu thích. Năm đó tôi thi lại và đỗ vào ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp ở trường đại học của tỉnh nhà.
Năm 2008, tôi tốt nghiệp đại học.
Tôi khăn gói vào Nam, bắt đầu con đường sự nghiệp của mình. Công trình đầu tiên tôi tham gia là một nhà máy cán thép lớn. Công nghệ của Ý nên rất khó và quá phức tạp đối với một kỹ sư mới ra trường như tôi, nhưng tôi không bỏ cuộc.
Tôi luôn tự nhủ vì mẹ, vì bản thân mình, mình phải vượt qua tất cả. Thời gian này tôi chỉ biết lao đầu vào công việc. Tôi phải cố gắng gấp nhiều lần người khác. Tôi không ngại bất kỳ việc gì. Ngoài các phần việc được giao, tôi luôn sẵn sàng làm thêm các phần việc của người khác. Cái gì không biết thì hỏi và luôn hoàn thành công việc hiệu quả nhất.
Mọi nỗ lực của tôi được đền đáp xứng đáng. Lương và vị trí trong công ty được nâng lên liên tục. Ngoài ra tôi thường được thưởng riêng vì tôi làm cả ngày chủ nhật.
Kết thúc công trình tôi đã là một chỉ huy trưởng và có một số tiền trong tay. Nửa năm tiếp theo tôi vẫn luôn dành hết thời gian cho công việc. Thời gian của tôi chỉ ở công trường hoặc văn phòng công ty.
Trong thời gian này tôi đã gặp được một nửa của đời mình. Chúng tôi đến với nhau như một sự sắp đặt của cuộc sống. Vợ tôi làm cùng công ty và cũng là dân tỉnh lẻ nên có thêm nhiệm vụ đi sớm về muộn để đóng mở cửa văn phòng.
Cuối năm đó chúng tôi tổ chức một bữa tiệc nhỏ để về với nhau. Số tiền dành dụm sau hai năm, cộng thêm công ty và gia đình cho mượn thêm tôi đã mua được một mảnh đất ở ven thành phố.
Cuộc sống luôn biến động, không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng tôi luôn cố gắng. Vì tôi đã ở tận cùng của vũng bùn nên tôi luôn trân trọng những gì mình đạt được.
Giờ đây tôi đã là kỹ sư quản lý dự án cho một công ty nước ngoài. Tôi có một sức khoẻ mà nhiều người phải mơ ước. Tôi đã có một căn nhà nhỏ ở thành phố. Chúng tôi mới đón đứa con thứ hai chào đời.
Gia đình, thầy cô, bạn bè mừng cho tôi. Họ nói tôi đã rất nghị lực để làm lại từ đầu. Riêng bản thân, tôi biết rằng không có những giọt nước mắt, không có những lời động viên của mẹ thì tôi sẽ không có ngày hôm nay.
Với những bạn trẻ đang bế tắc trong học hành, tôi xin được chia sẻ cùng các bạn. Các bạn hãy nên chia sẻ với gia đình vấn đề của mình. Dù biết gia đình sẽ rất sốc và thất vọng, nhưng gia đình không bao giờ từ bỏ các bạn.
Các bạn nên tự suy xét nếu tiếp tục sẽ có kết quả hay không? Nếu biết không có kết quả thì nên bắt đầu làm lại từ đầu. Chỉ cần mình quyết tâm thì không bao giờ là muộn cả. Nên chọn cho mình một con đường phù hợp chứ không nên chạy theo hào nhoáng của xã hội.
Chúc các bạn tìm ra cho mình một hướng đi riêng và thành công trong cuộc sống.
>>Xem thêm: Bế tắc vì đại học 6 năm vẫn chưa tốt nghiệp
Đặng Thành Chung
Chia sẻ bài viết của bạn về khởi nghiệp tại đây.