Sau bài viết “ Quê tôi nữ lên Hà Nội làm ôsin, nam đi kéo xe” của độc giả Phạm Văn Long, VnExpress đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.
Đa số độc giả đều đồng tình với những điều người viết đã phản ánh trong bài. Chuyện mất tiền chạy việc vào nhà nước, mô hình làm nông của người lao động không được cán bộ địa phương quan tâm hướng dẫn, con em nông dân thất nghiệp hoặc làm trái ngành… đã không còn là câu chuyện của riêng một địa phương, mà trở thành vấn đề nhức nhối của nhiều vùng nông thôn hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề chạy việc, bạn đọc Le Ha cho biết: “Quê tôi ở Quảng Bình cũng như những gì bạn nói. Dân thì nghèo nhưng vào làm nhân viên quèn cho một nơi nào đó là phải chạy chọt đủ đường kèm theo một khoản tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu. Số tiền đó với con nhà nông là điều không thể có sẵn. Muốn có thì cũng phải vay mượn khắp nơi”.
Đồng quan điểm với Le Ha, bạn đọc Thu Thao quê ở Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Nếu muốn vào làm trong ủy ban xã với công việc hành chính và mức lương cơ sở 1 triệu đồng thì cũng phải "chạy" đó bạn ạ”.
Còn độc giả Dinh Ngoc Phac thì chua chát tâm sự: “Ngày xưa mình cũng ước mơ học đại học nông nghiệp về quê để làm việc nhưng thật khó để cống hiến cho quê hương. Cuối cùng lại phải ngược xuôi Hà Nội, Sài Gòn”.
Bên cạnh những bức xúc về chuyện chạy việc vào nhà nước ở các địa phương, một số độc giả lại không ủng hộ suy nghĩ học xong phải vào làm hành chính nhà nước, để rồi phải mất nhiều tiền chạy kiếm một chỗ làm việc.
Bạn đọc Vu Hung thắc mắc: “Những gì bạn Long viết về hoàn cảnh quê hương rất đúng. Tuy nhiên tôi không đồng tình với bạn về việc nông dân, con em nông dân không thoát ra được khỏi đói nghèo hoặc khỏi vất vả. Tại sao phải bỏ tiền chạy việc vào cơ quan nhà nước? Tại sao không học những cái như quê hương cần?
Những doanh nghiệp tư nhân ở ngoài rất cần người giỏi, người tài mà bạn không phải bỏ ra đồng nào để chạy chọt cả".
Ảnh minh họa: Hoàng Hà
"Có lẽ quan điểm của nhiều người ở quê là từ nhỏ đã vất vả rồi, chỉ mong học xong đại học là có việc nhàn nhã, kiếm được tiền hoặc nhiều tiền luôn. Hãy chịu khó thêm thời gian nữa để vận dụng những gì đã học trong nhà trường để học thêm trong xã hội rồi khi đó mới có cơ hội thay đổi được”.
Những điều độc giả Vu Hung phân tích cho thấy làm việc nhà nước không phải con đường duy nhất đối với tương lai của các bạn sinh viên. Chỉ vì nếp nghĩ học xong ra làm hành chính, không muốn tìm cơ hội, hoặc không phát huy khả năng ở các doanh nghiệp tư nhân mới dẫn đến tình trạng chạy việc tràn lan như thế.
Bạn đọc có nickname Miss You cũng thẳng thắn chỉ ra suy nghĩ thụ động, cứng nhắc của nhiều sinh viên vừa ra trường: “Thời buổi kinh tế thị trường mà, sao các bạn không phát triển kinh tế tư nhân, sao cứ đòi vào cơ quan nhà nước thì mới về quê làm? Ai cũng ngại khó ngại khổ khi về quê làm thì lấy gì mà phát triển?”.
Bởi vậy, muốn thoát khỏi nếp nghĩ cũ, độc giả Tam đã chia sẻ: “Hãy cố gắng coi "vào làm nhà nước" không phải là cách duy nhất. Bạn sẽ phải động não làm ra sản phẩm, dịch vụ để nuôi sống bản thân và quê hương. Thế mới đúng nghĩa là đã đi học”.
Nhiều bạn trẻ ra trường chỉ muốn có một công việc ổn định và nhàn nhã. Theo họ, làm công chức nhà nước vừa ít cạnh tranh lại vừa có nhiều thời gian "rảnh" hơn làm cho tư nhân. Bởi vậy, thay vì thử sức ở những lĩnh vực ngoài nhà nước, nhiều người chỉ thụ động chờ cơ hội "làm trong", không chờ được thì đi "cửa sau" cho nhanh và chắc chắn.
Có cầu ắt có cung, chuyện chạy việc sẽ chẳng bao giờ dừng lại khi chúng ta mãi dung túng cho nó. Thiết nghĩ, nếu muốn thoát nghèo, điều đầu tiên chính là thay đổi nếp nghĩ. Nghề nào cũng vậy, cần phải biết trau dồi kiến thức, tận dụng và thể hiện những khả năng của bản thân để mang lại hiệu quả tối đa cho công việc. Như thế làm nhà nước hay tư nhân không còn là vấn đề phải băn khoăn nữa.
>> Xem thêm: Giáo viên thể dục lương 1.000 USD
Bích Thảo tổng hợp
Chia sẻ những bài viết về đời sống xã hội của bạn tại đây