Đến năm 2050, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ là một trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước.
Với tổng diện tích khoảng 13.436 km2, vùng Thủ đô Hà Nội sẽ rộng gấp khoảng 13 lần Hà Nội hiện nay (xấp xỉ 921 km2), bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Hà Nội và 7 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình.
Bán kính ảnh hưởng vùng Thủ đô là từ 100 đến 150 km. Dân số toàn vùng vào năm 2050 vào khoảng 18-18,2 triệu người. Trong đó, dân số đô thị tăng nhanh, từ 4,1-4,5 triệu người (năm 2010) lên 8,1-9,2 triệu người (năm 2020) và 14,4-15,4 triệu người (năm 2050). Năm 2050, bình quân diện tích đất đô thị là 115 m2/người.
Vùng Thủ đô phát triển theo hướng vùng đô thị đa cực tập trung, lấy Hà Nội làm đô thị hạt nhân.
Không gian vùng Thủ đô được phân thành hai phân vùng chính là vùng đô thị hạt nhân và phụ cận; vùng phát triển đối trọng.
Hà Nội sẽ là hạt nhân của vùng Thủ đô. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vùng đô thị hạt nhân là Thủ đô Hà Nội mở rộng. Vùng phụ cận trong phạm vi 25-30 km có chức năng hỗ trợ phát triển và mở rộng đô thị trung tâm, lan tỏa sự phát triển giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vai trò của các khu vực này là tạo các vành đai xanh cung cấp sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cho Thủ đô, đồng thời phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch văn hóa, sinh thái, v.v...
Vùng phát triển đối trọng trong phạm vi 30-60 km, hình thành theo 3 phân vùng lớn với các trung tâm tỉnh lỵ là các hạt nhân phát triển.
Thủ đô Hà Nội có hướng phát triển không gian theo ba khu vực gồm Khu vực đô thị phía Nam sông Hồng, phía Bắc sông Hồng và Khu đô thị phía Đông sông Hồng.
Các đô thị trung tâm tỉnh là Bắc Ninh, Hưng Yên và Phủ Lý. Thành phố Hải Dương là đô thị cấp vùng.
Vùng trọng điểm công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội chủ yếu tập trung vào khu vực phía Đông, từ vùng đô thị trung tâm nối ra Hải Phòng và Quảng Ninh.
Các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm sẽ được di chuyển ra xa nội thành (khi chuyển ra ngoại thành có biện pháp đồng bộ bảo vệ môi trường). Việc di chuyển này gắn với hình thành các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị mới như khu Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Bồ Đề (Gia Lâm), Yên Viên.
Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội cũng nêu rõ tổ chức không gian du lịch vùng, định hướng phát triển dịch vụ xã hội. Đặc biệt, Quy hoạch dành khoảng 10/22 trang đề cập về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, phòng, chống lũ, mạng lưới điện, nước, vệ sinh môi trường.
Để từng bước thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội có hiệu quả, giai đoạn đầu được xác định sẽ tập trung vào 27 chương trình, dự án cụ thể.
Về hạ tầng xã hội có chương trình sắp xếp điều chỉnh các cơ sở giáo dục đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề nhằm di chuyển một số trường ra khỏi nội thành Hà Nội, xây dựng chợ đầu mối và các siêu thị bán buôn...
Hạ tầng kỹ thuật có dự án đầu tư cải tạo, mở rộng các tuyến quốc lộ hướng tâm quốc lộ 2, 3, 32..., dự án khôi phục dòng sông Đáy, xây dựng nghĩa trang Mai Dịch 2, nghĩa trang sinh thái, quy hoạch xây dựng hệ thống vành đai sinh thái vùng Thủ đô Hà Nội...
(Theo chinhphu.vn)