Theo tờ trình của Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp công chỉ có những người được tuyển dụng, bổ nhiệm để giữ các chức vụ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý mới coi là công chức. Những người đang làm việc trực tiếp như giáo viên, bác sĩ, diễn viên, vận động viên… không phải là công chức và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật công vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng việc tách khối hành chính ra khỏi sự nghiệp sẽ rất có lợi. "Quy chế tuyển dụng công chức hiện nay rất cứng nhắc, không cho phép các đơn vị sự nghiệp tuyển được người giỏi, mà chỉ tuyển được người học thuộc lòng quy định hành chính", ông Thi giải thích.
Tuy nhiên, ông Thi không đồng tình với việc quy định lãnh đạo đơn vị sự nghiệp là công chức: "Làm quản lý một cơ quan chuyên môn mà anh không có chuyên môn, chỉ thuần túy năng lực hành chính thì không ổn. Làm sao có thể quản lý một đề tài khoa học khi không hiểu về nó?". Giải pháp ông Thi đưa ra là quy định lãnh đạo đơn vị sự nghiệp phải làm cả hai nhiệm vụ chuyên môn và hành chính.
Ảnh minh họa của Hoàng Hà. |
Ủng hộ việc cải tiến nền hành chính theo hướng năng động, hiệu quả, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. "Nếu tách giáo viên, bác sĩ... ra khỏi đội ngũ công chức nhà nước, trong khi quyền lợi chưa rõ ràng sẽ gây xáo trộn rất lớn trong xã hội", ông Kiên nói.
Là cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng bày tỏ băn khoăn khi loại gần 2 triệu cán bộ, nhân viên tại các đơn vị sự nghiệp ra khỏi đội ngũ công chức. "Giá cả lên cao đang gây căng thẳng, bây giờ đặt vấn đề này có nên không, hay phải có lộ trình? Giáo viên, bác sĩ ở nông thôn miền núi vốn chỉ trông chờ vào lương ngân sách nhà nước. Nếu tách ra họ sẽ khó khăn", ông Thuận nói.
Trước những lo ngại của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn giải trình: "Chính phủ muốn tách các đơn vị sự nghiệp ra khỏi khối hành chính vì không muốn bó tay họ. Nếu tách thì nhà nước vẫn có chính sách đảm bảo đời sống cho giáo viên, cán bộ y tế ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số", ông Tuấn nói.
Rất chia sẻ với băn khoăn của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề xuất hai phương án xin ý kiến Quốc hội. Một là nâng pháp lệnh công chức lên thành luật, kế thừa những quy định cũ và có bổ sung một số nội dung mới. Hai là luật này chỉ điều chỉnh đối tượng công chức làm việc trong cơ quan nhà nước.
Dự luật sẽ được hoàn thiện và dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm nay.
Đang có xu hướng dịch chuyển lao động sang khu vực tư Trong tờ trình của Chính phủ đã nêu ra nhiều hạn chế của nền hành chính hiện nay. Đó là việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức chủ yếu gắn với chỉ tiêu biên chế, phù hợp với cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nhưng chưa phù hợp với yêu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động. Trong nhiều cơ quan, tổ chức, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng và quản lý công chức có xu hướng nặng về văn bằng, chứng chỉ, chưa chú trọng đến năng lực thực thi công vụ. Điều này làm suy giảm hiệu quả hoạt động công vụ và chưa thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, trong khi xã hội đang có xu hướng chuyển dịch lực lượng lao động sang khu vực tư. Các biểu hiện về thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu kém về năng lực, chuyên môn, kỹ thuật đã làm cho bộ máy hành chính trì trệ, kém hiệu quả. Các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân vẫn tồn tại trong cán bộ, công chức làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với Đảng và nhà nước. |
Hồng Khánh