Theo kế hoạch, 7h sáng 12/5, PTCS Thực nghiệm ở phố Liễu Giai, quận Ba Đình, sẽ bán hồ sơ dự thi vào lớp 1. Số đơn bán ra là 200, chỉ tiêu năm 2012 là 140. Ngay trước cổng, ban giám hiệu dán thông báo, nhấn mạnh “không chấp nhận danh sách xếp hàng từ trước”. Ai cũng đọc được nội dung trên, song do sốt ruột, ngồi nhà sợ mất suất, con không có chỗ học, nên phụ huynh cứ xếp hàng cho yên tâm.
23h, mưa bắt đầu nặng hạt, sấm chớp liên hồi, hàng chục phụ huynh vẫn kiên nhẫn xếp hàng đợi mua đơn. Có người chép miệng: “Nếu cả đêm mưa thế này thì khổ quá, đúng là ngang với đi đày”. Một người khác phụ họa: "Cho con đi học lớp 1 mà còn khó hơn học tiến sĩ”. Ngay lập tức một người đàn ông trấn an: “Mưa thì đã có áo mưa, ngồi đây khổ một, không cho con vào được thì còn khổ mười”.
Một số phụ huynh cẩn thận mang ghế từ nhà đi lấy chỗ ngồi, những người khác trải túi nylon ngồi tạm. Nhiều bà mẹ đeo khẩu trang, mặc áo dài tay, cầm ô để chống chọi với hơi lạnh ban đêm và cơn mưa. Các ông bố thì xúm lại bên những lon bia, vừa uống vừa bàn chuyện rôm rả. Một vài người mở điện thoại, chơi trò chơi để giết thời gian.
Từ 22h ngày 11/5 phụ huynh đã dầm mưa xếp hàng trước cổng trường để mua đơn vào lớp 1. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Alo, ở đây đang mưa, nhưng không sao, mẹ nó ở nhà chuẩn bị giấy tờ đi, sổ hộ khẩu ở trong tủ, sáng mai Quân sẽ qua lấy sớm”. Kết thúc cuộc điện thoại với vợ, anh Bùi Quang Tiến (Văn Chương, Đống Đa) cho biết, quyết tâm có được suất hồ sơ cho con thi vào Tiểu học thực nghiệm, gia đình anh đã huy động từ người thân đến bạn bè đi xếp hàng ở cổng trường từ khoảng 21h.
“Ở đây có tôi và hai người anh em xếp hàng, vợ ở nhà lo giấy tờ, một đứa em làm chân chạy lăng xăng. Chúng tôi quyết mua được một bộ hồ sơ cho con thi vào đây”, anh Tiến nói và cho biết, bản thân chỉ học hết lớp 8 rồi đi làm đủ nghề. Anh luôn mong con học thành tài để bố mẹ nở mày nở mặt. Biết trường Thực nghiệm của Bộ GD&ĐT có phương pháp giảng dạy tốt nên anh muốn con học tại đây.
23h30, thấy số người xếp hàng ngày càng đông, lên tới hàng trăm, một số đề nghị phải ghi danh sách theo thứ tự để đảm bảo công bằng. “Trường có quy định của trường, chúng ta có nguyên tắc của chúng ta”, một người đàn ông lên tiếng. Đa số phụ huynh có mặt đồng tình, danh sách được lập ghi tên các cháu, bắt đầu từ người đến xếp hàng đầu tiên.
Mặc chiếc áo mưa giấy, tay cầm tập giấy tờ được gói ghém trong vài lớp túi nylon, ông Đào Tạo (ở phố Đào Tấn) cho biết, 50 năm trước ông đi thi đại học cũng không cảm thấy lo lắng, hồi hộp như lúc này. Có ba người con đều từng học Thực nghiệm, ông muốn cháu mình tiếp tục được giáo dục ở đây nên đã thăm dò thông tin vào lớp 1 trước cả tháng.
"Chiều nay chơi cầu lông ở sân trường, bảo vệ bảo không cần xếp hàng vô ích, nhưng không yên tâm nên thi thoảng tôi lại ra cổng trường xem thử, thấy người ta xếp hàng, mình cũng ra cho đỡ lo", ông Tạo nói.
Để hỗ trợ lẫn nhau, gia đình ông có hai người túc trực ở cổng. Thấy người ta ghi danh sách, ông cũng chen vào đọc tên cháu dù "chẳng hy vọng là nó có tác dụng". 70 tuổi, mái tóc đã bạc nhưng ông Tạo tâm sự, vì tương lai của cháu nên khổ cực chút vẫn cảm thấy vui.
"Bố mẹ cháu đã tính đến phương án hai, tìm một trường gần nhà ở khu Trung Yên cho cháu học. Vì mua được đơn rồi còn phải qua khâu thi tuyển nên chúng tôi cũng xem đây là cơ hội để cháu được trải nghiệm và kiểm tra xem cháu có thông minh không", ông Tạo cho hay.
Tay cầm điện thoại quay lại cảnh vợ đang quấn chăn, lụp xụp ngồi dưới đất cầm ô che và khung cảnh mọi người xung quanh, anh Lê Văn Đạt (phố Đội Cấn) giải thích ghi lại những hình ảnh này để khi con lớn cho xem. Cũng như những phụ huynh khác, vợ chồng anh thấp thỏm trước cổng trường cả tuần nay để tìm hiểu thông tin.
"Chiều nay vợ tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết để chiến đấu suốt đêm ở cổng trường. Nào chăn, áo mưa, ô, thức ăn, nước uống, đề phòng mọi trường hợp có thể xảy ra", anh Đạt nói. Có con lớn đang học lớp 6 tại trường, anh Đạt cho hay rất tâm đắc với phương pháp dạy ở đây. Con anh rất chủ động trong mọi việc và thể hiện cá tính độc lập. Vì vậy, Tiểu học Thực nghiệm là lựa chọn đầu tiên cho đứa thứ hai.
6h sáng 12/5, khi bảo vệ mở cổng, phụ huynh xô đổ cổng để chạy vào nhanh hơn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhà ở quận Thanh Xuân cách trường hàng chục kilomet nhưng chị Lê Minh Nguyệt và chị gái cũng muốn con được học tại trường. Từ 22h, 4 người trong nhà đã đến xếp hàng mua đơn cho hai cháu. "Nuôi con vất vả, giờ chỉ đứng dưới mưa một đêm thì bõ bèn gì", chị Nguyệt cười tươi.
Càng về sáng, những người đến xếp hàng mua đơn càng đông. Phụ huynh có mặt từ đêm hôm trước đã thấm mệt nhưng vẫn cố gắng "giữ vững vị trí" gần cổng sắt. Cả đoạn đường Liễu Giai trước cổng trường chật kín. May mắn là sáng thứ bảy nên không xảy ra tình trạng tắc đường.
Đúng 6h sáng 12/5, bảo vệ mở cửa trường. Cánh cổng sắt chưa kịp mở hết người dân đã chen lấn chạy vào, xô đổ cả cổng. 4-5 công an đứng nhìn bất lực. Thoát được "cửa ải" đầu tiên là cổng trường, ai cũng vắt chân lên chạy. Việc xếp hàng đêm hôm trước và tờ danh sách ghi tên các cháu lúc này không còn tác dụng. Mạnh ai nấy chạy đến cửa ải tiếp theo là tấm cửa kính để nhận tích kê vào phòng mua hồ sơ.
Đang chen lấn để tìm chỗ gần khu vực trung tâm, hàng trăm con người tiu nghỉu khi ban giám hiệu thông báo: "Dừng phát hồ sơ và chuyển sang ngày khác vì phụ huynh xô đẩy nhau khiến nhà trường không thể kiểm soát".
Ông Nguyễn Văn Tài (Cầu Giấy) bực bội nói: "Nếu tôi biết phải khổ sở, tranh giành nhau thế này thì tôi không bao giờ đi xếp hàng từ đêm hôm trước. Có đứa con thứ hai tôi sẽ tìm trường nào đó vào học đơn giản hơn".
7h30 sáng nay, phụ huynh đã về gần hết. Cổng trường Thực nghiệm còn lại ngổn ngang rác là lon bia, vỏ đồ ăn, áo mưa và dép do người ta xô nhau chạy bỏ lại.
Hoàng Thùy