![]() |
Một xe chở tên lửa tham lễ duyệt binh hôm qua ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP |
Loại tên lửa trên xuất hiện trong lễ duyệt binh "lớn chưa từng có" kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành, dường như là một khí tài mới trong kho vũ khí vốn vẫn khiến quốc tế lo ngại của Triều Tiên. Trước đó hai ngày, Triều Tiên đã phóng thất bại tên lửa Ngân hà-3 mang vệ tinh Quang Minh Tinh-3 lên không gian.
Các nhà phân tích quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc cho hay tên lửa mới trên có khả năng lớn hơn những tên lửa đã từng được trưng bày trong các lễ duyệt binh trước đây. Tuy nhiên, cần có thêm thông tin để xác minh xem liệu đây có phải là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay không. Triều Tiên được cho là đã bắt tay vào sản xuất loại tên lửa này.
Một số người dân Triều Tiên có mặt tại lễ duyệt binh cũng cho hay đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy tên lửa mới. Giới quân sự quốc tế chưa thể xác nhận ngay lập tức thiết kế chính xác của tên lửa.
"Trông nó có vẻ một mô hình, có thể là một ICBM, nhưng rất khó để nói gì vào thời điểm này", Isaku Okabe, một chuyên gia quân sự Nhật Bản nói.
Theo AP, Sohn Young-hwan, một nhà khoa học tên lửa Hàn Quốc, chủ tịch Viện Phân tích Công nghệ và quản lý tư nhân ở Seoul, cho hay tên lửa trên có khả năng là tên lửa đạn đạo tầm xa, nhưng không phải là ICBM.
Ảnh lễ duyệt binh 'chưa từng có' của Triều Tiên |
Các nhà phân tích đã nghi ngờ nhiều tháng qua rằng Bình Nhưỡng đang nỗ lực chế tạo một tên lửa lớn hơn và mạnh hơn tên lửa Ngân hà-3 bị phóng thất bại hôm 13/4. Tên lửa này được cho là có tầm bắn tối đa lên đến hơn 10.000 km, nghĩa là có thể chạm đến Mỹ. Thực tế, với sự thất bại hôm 13/4, Triều Tiên vẫn còn cả quãng đường dài phải đi trước khi có thể tổ chức được một cuộc tấn công bằng ICBM hiệu quả.
Nick Hansen, Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế, đại học Stanford, cho hay hình ảnh vệ tinh và những bức ảnh của các phóng viên được đến thăm điểm phóng mới của Triều Tiên đã củng cố thêm giả thiết rằng nước này có loại tên lửa lớn hơn. Giàn phóng được dùng hôm 13/4 lớn hơn mức cần thiết cho tên lửa Ngân hà-3.
Các cuộc duyệt binh trước đây của Triều Tiên cũng là dịp để nước này khoe tên lửa. Một cuộc duyệt binh năm 2010 đã cho thế giới cơ hội lần đầu tiên được nhìn thấy tên lửa đạn đạo di động với tầm bắn ước tính 3.000-4.000 km. Những tên lửa loại này thực sự đáng lo ngại bởi việc định vị và tiêu diệt chúng khó hơn những tên lửa được phóng từ những địa điểm cố định, tương tự tên lửa Ngân hà-3. Với tầm bắn 4.000 km, tên lửa này có thể tấn công các căn cứ của Mỹ ở Guam, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Anh Ngọc