Khu trục hạm USS Chung-hoon của Mỹ. Ảnh: AP. |
Một quan chức giấu tên trong Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra thông báo này hôm qua. Tàu khu trục được cử tới Biển Đông là USS Chung-hoon, có trang bị ngư lôi và tên lửa dẫn hướng. Chiến hạm này có căn cứ ở Hawaii, với thủy thủ đoàn 275 người. "USS Chung-hoon đã có mặt ở đó và sẽ bảo vệ cho tàu USNS Impeccable trong khi nó tiến hành các hoạt động hợp pháp tại đây", quan chức kể trên cho hay.
Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc tỏ ra tức giận vì thông tin trên. Báo China Daily hôm nay dẫn nguồn tin giấu tên trong lực lượng này nói quyết định của Washington là không thích hợp.
Một nguồn tin trong Hải quân Trung Quốc cho hay quân đội nước này đang theo dõi cẩn thận động thái mới nhất của phía Mỹ. Một quan chức khác bình luận rằng việc Mỹ triển khai tàu khu trục USS Chung-Hoon là dấu hiệu cho thấy ý định của Lầu Năm góc muốn "tiếp tục gây áp lực" với Trung Quốc.
USS Chung-hoon được cử tới vùng biển này sau khi Washington cáo buộc 5 con tàu của Trung Quốc áp sát tàu thăm dò của Hải quân Mỹ USNS Impeccable hôm 8/3, buộc tàu này phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để tránh đụng độ. USNS là tàu chuyên phát hiện tàu ngầm của đối phương.
Washington cáo buộc Bắc Kinh khiêu khích và yêu cầu họ tôn trọng luật hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố không làm sai và tố cáo tàu Mỹ vi phạm luật quốc tế và luật Trung Quốc. Căng thẳng này diễn ra chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp nhau.
Quan hệ Bắc Kinh - Washington từng lâm vào khủng hoảng hồi tháng 4/2001, sau khi máy bay trinh sát của Mỹ va vào phi cơ chiến đấu của Trung Quốc. Vụ đụng độ khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng và máy bay của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. 24 thành viên phi hành đoàn trên phi cơ này bị giữ 11 ngày.
Hải Ninh (theo AFP, Washington Post, Times)