![]() |
Julian Assange, người sáng lập Wikileaks. Ảnh: AP. |
Trung Quốc hôm nay thúc giục Mỹ "giải quyết một cách thích đáng" các vấn đề liên quan đến vụ rò rỉ hàng trăm nghìn tài liệu ngoại giao bí mật của Mỹ qua Wikileaks.
"Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ xử lý thích hợp các vấn đề liên quan", AFP dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu.
Các tài liệu bị rò rỉ đã tiết lộ việc các nhà ngoại giao Mỹ tin rằng Bắc Kinh đã đứng sau chỉ đạo vụ tấn công vào các máy tính của Google và mạng của chính phủ các nước phương Tây. Trung Quốc cũng được cho là từng làm ngơ để các tên lửa của Triều Tiên xuất khẩu qua nước này.
Một thư tín ngoại giao của đại sứ quán Mỹ tại Seoul, Hàn Quốc dẫn lời một nhà ngoại giao Trung Quốc còn tiết lộ rằng Bắc Kinh đã có ý khó chịu với cách hành xử của Triều Tiên và nước này có thể ủng hộ một bán đảo Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Seoul trong một tương lai xa.
Một số nước châu Âu cũng bắt đầu có phản ứng bực bội với những tài liệu bí mật mà Wikileaks tung ra, do những nhà ngoại giao Mỹ viết.
Nước Pháp, nơi mà Tổng thống Nicolas Sarkozy bị so sánh với một "ông vua cởi truồng", thì cho rằng Wikileaks là "một mối đe dọa với nền dân chủ" và hứa sẽ ủng hộ Mỹ trong việc bảo vệ các bí mật ngoại giao. "Chúng ta phải rất chú ý và đoàn kết ở mức độ quốc gia để đấu tranh lại cái được coi là mối đe dọa với nền dân chủ và chủ quyền", phát ngôn viên chính phủ Pháp Francois Baroin phát biểu trên đài Europe 1.
Trong một đoạn hội thoại được Wikileaks công bố, một cố vấn cấp cao của tổng thống Pháp đã gọi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez là "thằng điên" và gọi Iran là "nước phát xít". Còn bản thân Tổng thống Pháp Sarkozy thì bị các nhà ngoại giao Mỹ mô tả là "gầy gò" và "độc đoán".
Ở Matxcơva, cố vấn báo chí của thủ tướng Nga tỏ ra thận trọng với các tài liệu bị rò rỉ. "Vào thời điểm hiện tại, chưa thể nói bất cứ cái gì rõ ràng. Chúng tôi phải nhìn vào cấp bậc của các nhà ngoại giao và các quan chức đã đưa ra các miêu tả vả cũng như chúng được đề cập trong tài liệu loại nào", cố vấn báo chí của thủ tướng Nga Dmitry Peskov nói.
Tờ Il Corriere của Italy thì cho hay, các quan chức nước này đã thở phào nhẹ nhõm vì họ đã lo sợ mọi chuyện sẽ tệ hơn thế. Theo tờ báo này, Thủ tướng Italy Berlusconi đã cười nhạo vào nội dung của các tài liệu rò rỉ. Trong đó, ông được các nhà ngoại giao Mỹ miêu tả là "tắc trách" và "vô dụng". Tuy nhiên, tờ La Repubblica thì dẫn lời ngoại trưởng Italy mô tả việc Wikileaks tung ra các tài liệu mật này là một "đòn tấn công 11/9 vào nền ngoại giao toàn cầu".
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từ chối bình luận việc tờ Der Spiegel dẫn tài liệu của Wikileaks rằng các nhà ngoại giao Mỹ miêu tả ông luôn được bao vây bởi "một mớ các nhà cố vấn nịnh hót". Erdogan còn được cho là "không có chút hiểu biết gì về chính trị bên ngoài Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ)".
"Chúng ta nên chờ xem thế nào", Erdogan nói. 'Đầu tiên phải xem Wikileaks có gì trong tay, sau đó chúng ta sẽ đánh giá xem những tài liệu được tiết lộ có đáng tin cậy hay không", thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu, miêu tả sự tin cậy của trang web này là "đáng ngờ".
Hôm 28/11, trang Wikileaks bắt đầu công bố hơn 250.000 thư tín bí mật của các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán, lãnh sự quán của Mỹ trên toàn thế giới. Wikileaks chỉ đưa khoảng 200 tài liệu lên trang của mình nhưng gửi toàn bộ dữ liệu cho 5 tờ báo hàng đầu thế giới: New York Times (Mỹ), Der Spiegel (Đức), Le Monde (Pháp), Guardian (Anh) và El Pais (Tây Ban Nha).
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên án đây là "đòn tấn công vào thế giới", phát ngôn viên ngoại giao Mỹ Philip Crowley gọi đây là tội ác. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder tuyên bố những người liên quan sẽ bị truy tố hình sự.
Hải Minh