![]() |
Ảnh minh họa: rocketkoreanonline.com. |
Trước hết, tôi xin cám ơn vô cùng những lời tốt đẹp của các anh chị. Mọi người đã quá khen.
Tình yêu và hôn nhân khác dân tộc rất khó khăn, đòi hỏi cả hai bên đều phải hy sinh không nhỏ chút nào, nhất là người phụ nữ. Không chung ngôn ngữ mẹ đẻ thì dù giỏi tiếng nước ngoài đến đâu cũng là một thiệt thòi khi người vợ muốn tâm sự, sẻ chia với chồng.
Chúng tôi đã bước qua giai đoạn thử thách đầu tiên. Giai đoạn sau hôn nhân khó khăn có khi còn lớn hơn. Tuy nhiên, cả hai đều tin tưởng là sẽ vượt qua để cùng xây dựng gia đình hạnh phúc trong sự động viên giúp đỡ của cha mẹ, thầy cô, họ hàng và anh em bạn bè.
Một số bạn đã phê bình rất đúng về việc tiếng Hàn của tôi còn kém. Tôi chủ yếu là tự học nên đọc viết và nói chậm chậm thì cũng "hù" được người không biết gì, nhưng kỹ năng nghe thì rất kém và nó khiến tôi sợ thực hành với người bản địa. Tính người Hàn nóng vội. Ít người kiên nhẫn nói chuyện với người nước ngoài và thường thì họ nói nhanh, dùng cấu trúc phức tạp. Bởi vậy mà được câu trước câu sau, chúng tôi lại chuyển sang nói tiếng Anh hoặc là ú ớ ậm ừ cái gì cũng "yề yề", "nề nề" cho xong chuyện rất ngớ ngẩn.
Nói gì đi nữa, tôi thực sự luôn cảm thấy có lỗi với phía gia đình vợ và xấu hổ với bản thân mình về điểm yếu này. Tôi sẽ đi học tiếng Hàn cho đến chừng thuần thục thì thôi. Vợ tôi chuyên ngành phiên dịch (tiếng Trung) nên tiếng Anh cũng lẹ miệng. Chúng tôi chủ yếu là dùng tiếng Anh với nhau, sau pha thêm tiếng Hàn và tiếng Việt thành một thứ tiếng ... chỉ có tụi tôi hiểu. Hy vọng tụi nhỏ sau này không bị "tẩu hỏa nhập ma".
Thỉnh thoảng có bản tin nói là có phong trào học tiếng Việt ở Hàn Quốc. Nghe thì hoành tráng phấn khởi, nhưng chủ yếu là người Hàn phải sang Việt Nam nên học giao tiếp cơ bản. Vợ tôi đã từng hăm hở đi học ở trung tâm lớn tại Jong-no-3-ga ngay giữa thủ đô Seoul. Lớp học tiếng Việt khoảng chục người ấy đến học kỳ thứ hai là đã thiếu học viên rồi. Lần nào cũng vậy, vì học viên không có nhu cầu học hơn. Nhiều khi các ông bà sồn sồn còn đòi "dạy ngược" lại cả cô giáo Việt Nam về tiếng Hàn nữa. Lớp học rất nghiệp dư và thiếu nghiêm túc. Vợ tôi cũng đành chịu, sau này về Việt Nam sẽ học sau. Tôi thì thời gian ít quá, tự học tiếng Hàn còn không xong nên dạy nàng cũng chẳng đến đâu. Học cho đàng hoàng tại Hàn Quốc chắc chỉ có thi vào đại học chuyên khoa tiếng Việt thôi.
Nhận được những lời tốt đẹp của quý độc giả VnExpress, tôi xin đáp lễ chia sẻ cùng anh chị em câu chuyện về nghiên cứu sinh chúng tôi tại Hàn Quốc qua cái sự học tiếng này.
Môi trường của những nghiên cứu sinh nước ngoài ngành khoa học như tôi là dùng tiếng Anh. Hầu hết các giáo sư quản lý nghiên cứu sinh rất chặt khiến chúng tôi khó có thời gian rảnh rỗi đi ra ngoài hay về nhà buổi tối nghỉ ngơi tập trung học yên tĩnh. Chúng tôi thường làm việc cả ngày thứ bảy và những ngày lễ lẻ tẻ trong năm. Bạn tôi người Indonesia ở Đại học Sogang cho biết, giáo sư bắt riêng nghiên cứu sinh nước ngoài ở lab ấy làm việc luôn cả 3 ngày nghỉ lễ Chuseok (Tết trung thu) với lý do: ngày lễ đó không phải của các nghiên cứu sinh nước ngoài (!?).
Ở Hàn Quốc, nghiên cứu của lab thường là dự án từ các công ty nên cường độ làm việc rất cao để báo cáo định kỳ. Áp lực khi ở lab là luôn phải có kết quả gì đó, dù thất bại hay thành công, để báo cáo khi giáo sư vào kiểm tra. Do đó gò bó, thậm chí căng thẳng nữa.
Chuyện của nghiên cứu sinh chúng tôi tại Hàn Quốc là muôn hình muôn vẻ. Tùy giáo sư, tùy hoàn cảnh. Chúng tôi ít nhiều đều hiểu rằng nhận "học bổng" du học là có tính chất đi làm hơn đi học. Nhưng đa số anh em nghiên cứu sinh nung nấu ý nguyện ra sức tận dụng cơ hội nghiên cứu tốt để sớm có ngày về xây dựng sự nghiệp và góp phần cho đất nước. Hồi xưa tài liệu internet còn ít, nhiều anh em khi về nước mang theo hàng chục kg sách vở tài liệu. Bây giờ thì nhiều bạn tỉ mỉ download hàng Gb tài liệu khoa học trên các trang thư viện điện tử để gửi về cho thầy cô và bạn bè trong nước.
Có bạn từ tỉnh xa lên gặp Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dịp ông sang Hàn Quốc làm việc và nói chuyện với lưu học sinh ở sứ quán. Bạn nghẹn ngào chia sẻ với ông mong ước nước ta đầu tư cho nghiên cứu vì thấy mình kém họ xa quá. Người chia sẻ tâm tư thì nghẹn ngào như muốn khóc mà người đứng đâu ngành giáo dục khi nghe chia sẻ cũng xúc động chân thành. Bạn ơi, hoàn cảnh của một quốc gia còn nghèo thì khó mà so được với một quốc gia đã phát triển nền kinh tế công nghệ cao. Nhu cầu cao về kỹ thuật khiến áp lực nghiên cứu rất lớn. Đúng là người ta giàu càng dễ giàu, mình nghèo thì bao điều khó nói.
Kể sao hết nỗi niềm của nghiên cứu sinh chúng tôi! Nói ra dài lạc đề mất. Thôi quay lại chuyện học tiếng Hàn. Vâng, hầu hết anh em như tôi đều tự học tiếng Hàn chứ không có điều kiện đến trường lớp. Bao năm rồi, tôi mơ đến ngày được đi học đàng hoàng có thầy giảng, có bạn ôn. Tôi muốn ra mắt bố mẹ vợ cầu hôn con gái các cụ, khi bị phản đối thì "mồm miệng đỡ chân tay" không phải chịu cảnh cúi gầm rồi khóc lã chã và say rượu như phim Hàn. Tôi lo lắm. Nói ấp úng không được lời nào, khóc cũng không rặn nổi giọt nào, rượu bia không biết uống, trơ mặt ra nhe cười rồi lại cứ "yề yề", "nề nề" khi bị "chửi" thì điệu này tiêu chắc! May mắn ông trời thương tôi cho gỡ gạc viết lách thay nói năng. Chuyện này quả là chỉ xảy ra trong thời internet thôi.
Năm thứ 6 trôi qua trên xứ sở kim chi và tiếng Hàn tự học của tôi vẫn í ẹ. Bù lại, với sự giúp đỡ và chỉ đạo của giáo sư, tôi có một số bài báo khoa học, đọat giải nghiên cứu sinh nước ngoài có thành tích nghiên cứu xuất sắc tại Viện khoa học và kỹ thuật Hàn Quốc (KIST), năm tiếp theo lại hên sao nhận thêm giải nghiên cứu sinh có thành tích nghiên cứu xuất sắc khi tốt nghiệp đại học UST. Xin ghi chú thêm là ở KIST có hàng trăm nghiên cứu sinh nước ngoài đến từ 20 quốc gia, nhưng nghiên cứu sinh Việt Nam chúng tôi (lúc đó là 11 người) thì liên tiếp "ẵm" giải nghiên cứu sinh xuất sắc trong mấy năm liên tục, nam có, nữ có.
Sau khi tốt nghiệp tôi định về nước một thời gian ngắn nhưng giáo sư đề nghị làm postdoc luôn. Và tôi xin giáo sư cho tôi mỗi tuần 5 buổi sáng đi học tiếng Hàn. giáo sư đồng ý. Tôi đến trường với một cảm giác lâng lâng vui sướng thỏa nguyện. Nhưng cảm giác đó mất đi nhanh và thay vào đó là thất vọng vì giáo viên chỉ dùng tiếng Hàn. Có bạn chắc phù hợp cách học trực quan này và thấy hay. Còn tôi thì thấy thời gian cùng tiền bạc bị phí phạm vô cùng và tôi thừơng hiểu không chính xác ý giảng của thầy cô, muốn thắc mắc cũng phải dùng tiếng Hàn thì làm sao diễn đạt hết thắc mắc của mình? Nhiều bạn tôi đóng tiền thi đi thi lại mà không lên lớp được.
Có sẵn vốn tự học nên dù hơi đuối, tôi cũng bơi qua được 2 học kỳ lên lớp trung cấp II (4/6). Ở cấp này đi thi sát hạch mà đậu là đủ tiêu chuẩn nộp tiền vào đại học Hàn Quốc học chuyên ngành. Bạn có thấy lạ không? Đó là sinh viên bản địa phải thi đầu vào "chết bỏ", còn sinh viên nước ngoài chỉ cần ấp úng tiếng Hàn một chút miễn sao thi đậu sát hạch là được "tuyển thẳng".
Tôi đến trường học 6 tháng tiếng Hàn. Sáng đi học, trưa ăn cơm rồi lao vào công việc luôn để bù lại khoảng thời gian trong ngày. Nhưng công việc thì nhiều và giáo sư thì hay nhắc khéo: "Cậu cần gì phải học tiếng Hàn nhỉ ? Nghiên cứu quan trọng hơn. Mà này, lương của cậu bây giờ gấp mấy lần lương sinh viên lab ta đấy. Chừng nào cậu học xong?". Giáo sư nói thế thì tôi mặt mũi nào đi học tiếp? Và tôi nghỉ học. Công việc lại cuốn tôi đi. Tiếng Hàn có bớt í ẹ hơn ngày xưa một chút, chỉ là vẫn ấm ớ thôi.
Tháng 3 năm sau chúng tôi sẽ về Việt Nam sinh sống. Tôi sẽ trở lại làm giáo viên. Bao năm xa trường, ngày đó tôi thấy cả trong mơ. Nhiều anh chị em nghiên cứu sinh cũng vậy, đếm từng ngày trên status Yahoo Messenger. Dẫu biết rằng về nước thì rất nhiều nhọc nhằn gian khó và điều kiện nghiên cứu có khi còn không có, nhưng chúng tôi nhớ Tổ Quốc, nhớ thầy cô, nhớ những khuôn mặt sinh viên Việt Nam.
Văn Nguyễn
Chia sẻ chuyện sống ở nước ngoài tại đây. Độc giả vui lòng viết tiếng Việt có dấu.