![]() |
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong một bức ảnh được chụp từ trên không sau trận động đất hôm 11/3. Ảnh: AP. |
Một vụ nổ xảy ra ở lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I sau khi hệ thống làm lạnh của lò ngừng hoạt động vì mất điện. Giới chức chưa công bố nguyên nhân của vụ nổ. Trước khi vụ nổ xảy ra, Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản thông báo nồng độ phóng xạ đã vọt lên gấp 1.000 lần mức bình thường trong phòng điều khiển lò phản ứng số 1 và 8 lần bên ngoài nhà máy. Vì thế dư luận lo ngại một thảm họa giống như sự kiện Chernobyl có thể xảy ra tại nhà máy Fukushima I, với các vụ nổ phá hủy lò phản ứng và tạo ra một đám mây phóng xạ phủ kín bầu khí quyển.
AP cho biết, hiện giới chuyên gia hạt nhân chưa biết hiện tượng nóng chảy ở lõi có thể gây nên rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng hay không và phạm vi ảnh hưởng của nó lớn đến mức nào.
Mặc dù vậy, ông Yaroslov Shtrombakh, một chuyên gia hạt nhân người Nga, nói rằng một thảm họa như kiểu Chernobyl vào năm 1986 hầu như không thể xảy ra.
“Sự nóng chảy ở lõi lò phản ứng không phải là một phản ứng nhanh như vụ nổ Chernobyl. Tôi nghĩ mọi chất phóng xạ sẽ được chôn chặt trong đất và sẽ không có thảm họa lớn”, AP dẫn lời ông Shtrombakh.
Quan điểm của Shtrombakh càng được củng cố sau khi Chánh văn phòng nội các Nhật Bản thông báo nồng độ phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã giảm sau vụ nổ chiều nay.
Ryohei Shiomi, một chuyên gia của Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản, nói mỗi giờ nhà máy giải phóng lượng phóng xạ tương đương với mức mà một người bình thường hấp thụ trong một năm. Thế nhưng, theo ông, ngay cả khi lõi của lò phản ứng nóng chảy, nó sẽ không ảnh hưởng tới người dân trong khu vực có bán kính 10 km xung quanh nhà máy. Phần lớn trong số 51.000 dân sống trong khu vực này đã sơ tán.
Việt Linh