* Bà Vũ Anh Đào, Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam chia sẻ quan điểm về vụ cậu bé làm thuê bị chủ hành hạ
Bà Vũ Anh Đào. Ảnh: Đoàn Loan. |
Sau khi được xem hình ảnh cháu Hào Anh bị đánh đập, tôi vô cũng sửng sốt, ngỡ ngàng. Tôi phẫn nộ vì thấy cậu bé bị tra tấn như thời trung cổ qua những hình ảnh rất thương tâm. Tôi tự hỏi tại sao có đôi vợ chồng khủng khiếp như vậy, họ mất hết tính người.
Thật đáng tiếc là sự việc không được phát hiện sớm. Theo tôi chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm sát sao, lơ là trước những phản ánh của người dân. Tuy nhiên, sau vụ việc này nhận thức của người dân và chính quyền cấp xã phường sẽ tốt hơn, họ sẽ để ý đến các trường hợp trẻ bị bạo hành. Bởi tôi cho rằng ở đâu đó còn những trẻ em bị đánh đập mà chưa được phát hiện.
Về người mẹ của cậu bé Hào Anh, chị ta nhận thức vấn đề nuôi con quá kém. Khi sinh con, chị ta phải có trách nhiệm nuôi nấng che chở cho những đứa con mình. Trong khi không đủ khả năng nuôi hai con mình, chị đã đi bước nữa và có thêm con. Vì cho rằng không thể nuôi được con mà cho con đi làm thuê như vậy dường như để giảm gánh nặng cho mình. Cả năm không thăm con, không biết con mình thế nào. Người mẹ này đáng lên án.
Theo Luật lao động, trẻ trên 15 tuổi mới được lao động. Ở nhiều vùng nông thôn, trẻ em đã làm việc nhà và ngoài đồng ruộng từ khá sớm phù hợp với sức khỏe. Song nhiều nơi, trẻ em phải làm việc nặng và bị bóc lột sức lao động, trả công rẻ mạt. Trẻ em phải đến các thành phố lớn mưu sinh, dễ bị bạo hành, lạm dụng... Theo tôi, các cấp chính quyền phải tăng cường kiểm tra, giám sát để giúp các cháu làm việc theo đúng sức lực của mình.
Theo thống kê có khoảng 3 triệu trẻ em sống trong các gia đình nghèo ở nông thôn, nhiều cháu phải ra thành phố kiếm sống. Để tránh cho trẻ em phải lao động sớm, không bị bạo hành, lạm dụng sức lao động..., chúng ta phải làm thế nào để các gia đình thoát nghèo, thì các cháu sẽ thoát khỏi cảnh phải làm việc nặng nhọc.
Tôi được biết Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có lớp dạy nghề cho trẻ em khó khăn. Với chương trình này, các cháu có thể học nghề, giúp cuộc sống của các cháu có tương lai hơn. Hàng năm, Quỹ bảo trợ trẻ em cấp khoảng 3.000 suất học bổng cho trẻ khó khăn với giá trị từ 500.000 đến 3 triệu đồng để động viên các cháu khó khăn, tránh nguy cơ bỏ học.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là gia đình phải quan tâm con cái mình, động viên các cháu học hành hoặc học nghề theo đúng sức khỏe của các cháu, tránh phó mặc cho người khác nuôi nấng, dạy dỗ.
Với trường hợp của cháu Hào Anh, Quỹ bảo trợ trẻ em trước mắt hỗ trợ 5 triệu đồng để cháu chữa trị phục hồi sức khỏe. Sau khi cháu được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội thì sẽ được học nghề, Quỹ bảo trợ trẻ em sẽ hỗ trợ cháu học nghề đảm bảo cuộc sống ổn định. Với các nguồn tiền của nhân dân và các tổ chức ủng hộ cháu Hào Anh, theo tôi Sở Lao động Thương binh Xã hội Cà Mau phải giữ và chi trả cho cháu sau này, tránh để thất thoát.
Đoàn Loan ghi