Người gửi: Bùi Minh Tuấn
Tôi đang là sinh viên năm thứ 3 một trường ĐH ở Hà Nội. Tất nhiên, tôi chưa lập gia đình và không trong hoàn cảnh như chị Hera Nguyen. Nhưng trong gia đình tôi hiện nay, con trai của chị gái tôi (gia đình anh chị sống cùng nhà) đang học lớp 2 và tôi hiểu những gì chị nói thật kinh khủng.
Quả thực, tôi không hiểu Bộ GD&ĐT xây dựng nên những chương trình học như hiện nay để làm gì cơ chứ? Nhồi nhét kiến thức cho học sinh một cách không bình thường. Ngày trước, khi đi học, phải đến tận gần cuối lớp 2, tôi mới được dạy đến cộng trừ các số trong phạm vi 100. Nhưng bây giờ, chỉ cần học hết lớp 1, các em đã làm được điều đó.
Lại còn môn tiếng Việt nữa chứ. Hôm nào cháu tôi đi học về, cũng thấy cô giao cả đống bài tập viết với học thuộc lòng. Mà không phải thuộc lòng bình thường đâu, thuộc mà phải đọc diễn cảm nữa cơ. Ngồi ở tầng trên, nghe cháu đọc mà thấy giả tạo quá. Thậm chí, có lúc đọc bài tập toán, nó cũng đọc diễn cảm.
Hôm trước, qua hiệu sách mua cho cháu quyển sách, tôi ngó qua và thấy có cả bài dạy quản lý chi tiêu trong gia đình. Trời ơi! Có bao giờ trẻ được cầm đến 100.000 đồng để mua bán đâu. Có bao giờ các cháu được biết bố mẹ mua gì, tiêu dùng cái gì, thu nhập bao nhiêu mà quản lý cơ chứ?
Đấy mới là tiểu học, còn các cấp cao hơn thì thật khủng khiếp. Hôm trước, đến nhà cậu bạn chơi. Nhìn quyển sách Hóa học lớp 10 của em bạn, thấy có những phần mà hồi tôi học đội tuyển học sinh giỏi Hóa lớp 12, trước khi thi cô mới dạy qua để nhỡ có trong đề thì còn biết cách làm.
Thực sự, nếu như cải cách, sao Bộ GD&ĐT không định hướng cho các em ngay từ THPT? Chẳng hạn, những em nào yêu thích kỹ thuật thì có thể tập trung, hướng cho em học các môn chuyên sâu vào kỹ thuật, nghiên cứu như Toán, Lý, Hóa, Sinh. Còn những ai thích học xã hội hay kinh tế... thì tập trung vào những môn xã hội, các kỹ năng mềm, giảm tải các môn khoa học tự nhiên. Tại sao không hướng nghiệp cho các em từ khi còn học phổ thông mà lại cứ loay hoay với những cải tiến, xóa hay không xóa thi đại học?
Ngày trước, bố mẹ, anh chị các em có phải học khổ sở thế đâu mà vẫn thành cử nhân, bác sĩ, tiến sĩ... những người cống hiến cho đất nước đấy thôi. Phải chăng, Bộ GD&ĐT đang cố ép các em thành những "thần đồng" so với thế hệ cùng lứa trong khu vực? Khổ cho các em và bố mẹ các em quá.