Công ty an ninh mạng Area 1, bên phát hiện vụ rò rỉ tài liệu, cho biết các tin tặc đã xâm nhập vào mạng lưới liên lạc ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) trong ba năm. Kỹ thuật được các tin tặc sử dụng tương tự như các kỹ thuật mà một đơn vị quân đội tinh nhuệ của Trung Quốc đã áp dụng từ lâu. Họ truy cập được vào mạng lưới sau một vụ tấn công mạng nhắm vào các quan chức EU ở Síp, sao chép các bức điện rồi đăng chúng lên một trang mạng mở mà tin tặc đã thiết lập.
Các quan chức EU cho biết họ đã bắt đầu điều tra vụ này và nhấn mạnh họ "nhìn nhận vấn đề an ninh cơ sở, bao gồm hệ thống công nghệ thông tin, rất nghiêm túc", theo thông cáo của hội đồng EU.
Area 1 cho báo Mỹ NYTimes xem 1.100 bức điện bị rò rỉ, cho thấy các quan chức châu Âu lo lắng về cách làm việc với Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như những lo ngại về Trung Quốc, Nga và Iran.
Phái đoàn ngoại giao của EU tại Moskva mô tả hội nghị thượng đỉnh gây tranh cãi ở Helsinki vào tháng 7 giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin là "thành công (ít nhất là đối với Putin)".
Một bức khác kể chi tiết về một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông chỉ trích các chiến thuật thương mại của Trump, nói rằng Mỹ "hành xử như thể đang chiến đấu trong một trận quyền anh tự do không có luật lệ" và thề sẽ không nhượng bộ "hành vi bắt nạt".
Có nhiều báo cáo bao quát về tình hình Ukraine, nơi xảy ra xung đột giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai thân Nga, bao gồm cảnh báo từ tháng hai rằng Moskva có thể đã triển khai đầu đạn hạt nhân ở Crimea - bán đảo họ sáp nhập vào năm 2014.
NYTimes đánh giá phần nhiều bức điện là báo cáo hàng tuần thông thường từ các phái đoàn ngoại giao trên khắp thế giới, nêu chi tiết các cuộc trò chuyện với các lãnh đạo và quan chức. Các thông tin mật hay nhạy cảm hơn được xử lý trên một hệ thống khác an toàn hơn.
Vụ rò rỉ này gây liên tưởng đến sự cố khi Wikileaks công bố lượng lớn điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2010, nhưng trong trường hợp của EU, lượng thông tin bị lộ ít hơn và ít nhạy cảm hơn.