Gia đình cho biết cô mắc bệnh rối loạn lưỡng cực nhiều năm, đang điều trị tại bệnh viện. Lời phán của thầy bói khiến cô hoảng loạn, lo lắng, không ăn không ngủ, nói nhảm.
Người nhà đưa cô vào khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, khám. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa, chẩn đoán việc bỏ thuốc và không tin vào Tây y khiến tình trạng rối loạn lưỡng cực của cô trở nặng. Bác sĩ kê thuốc và động viên tâm lý bệnh nhân, đồng thời khuyên gia đình nên đồng hành để người bệnh tuân thủ điều trị tốt nhất.
Rối loạn lưỡng cực (còn gọi rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn hưng-trầm cảm...) là bệnh tâm thần ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành động của con người.
Biểu hiện của bệnh trải qua hai giai đoạn. Ở giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân thường hoạt động quá mức, cảm giác vui vẻ, hưng phấn, hoặc dễ bị kích động, giảm nhu cầu ngủ, nói nhiều, suy nghĩ nhanh, mất tập trung.
Ở giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân thường có biểu hiện buồn bã, chán nản, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày. Nhiều người bị thay đổi khẩu vị và giấc ngủ, mệt mỏi, thiếu năng lượng, khó tập trung, suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tự sát.
Theo bác sĩ Chung, người bị rối loạn lưỡng cực có tính cách khá cầu toàn, nhưng rất dễ bị "dắt mũi". Bệnh nhân phải điều trị lâu dài, tuân thủ phác đồ và hướng dẫn bác sĩ thì mới nhanh khỏi bệnh, hạn chế tái phát.
"Nếu bỏ ngang, nguy cơ tái phát rất cao, nhất là khi gặp những yếu tố thúc đẩy bệnh tăng nặng", ông Chung nói, thêm rằng người bệnh nên tin vào khoa học để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, không mê tín dị đoan.
Thùy An