Trong khi Chính phủ và ngành y tế nhiều nơi đang cố gắng cung cấp những thông tin chính xác nhất về Covid-19 đến cộng đồng, tin giả, phương pháp chữa bệnh sai lầm lại được lan truyền mạnh mẽ trên nền tảng nhắn tin phổ biến nhất thế giới - WhatsApp.
Vấn đề nghiêm trọng đến mức các nhà lãnh đạo thế giới đang kêu gọi người dùng ngừng chia sẻ thông tin chưa được xác thực trên các nhóm chat. "Những tin nhắn này đang khiến nhiều người sợ hãi và gây tổn hại nghiêm trọng", Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar, viết trên Twitter.
Những thông tin sai lệch thường được chuyển tiếp từ bạn bè hoặc người thân. Nội dung hay bắt đầu từ một vị "bác sĩ nào đó" hoặc một "ông chú làm trong chính phủ" khuyên mọi người những cách phòng bệnh, như "cứ 15 phút uống nước ấm một lần là có thể vô hiệu hoá virus corona", "hoặc xúc miệng bằng dấm, nước muối có thể diệt nCoV"...
Tin giả về số ca nhiễm bệnh hoặc ibuprofen để chống virus corona cũng được lan truyền chóng mặt. Trong khi đó, các chuyên gia và tổ chức y tế thế giới chưa đưa ra bất kỳ khẳng định nào. Một số tin nhắn còn đồn thổi về việc phong toả, kêu gọi mọi người tích trữ lương thực.
Vì các tin nhắn trên WhatsApp được mã hoá để chỉ có người gửi và người nhận đọc được nên cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Bản thân nhà phát triển ứng dụng cũng không giám sát những luồng thông tin này, dù chúng đang gây hoang mang cộng đồng.
Đại diện WhatsApp cho biết, họ đã hành động để hạn chế tin giả. Một trong số đó là chuyển tiếp tin nhắn đến những tài khoản đặc biệt để xác thực thông tin. "Hiện có hơn 10 người tham gia vào công việc xác thực tin đồn. Chúng tôi muốn tăng cường nhân sự để làm việc này", Will Cathcart, người đứng đầu WhatsApp, viết trên Twitter. Động thái này được ủng hộ, nhưng họ cần thêm nhiều biện pháp tích cực hơn nữa.
Trong khi các nền tảng khác như Facebook, Instagram, cho phép người dùng báo cáo tin giả, WhatsApp không có tính năng này. Hầu hết tin được gửi dưới dạng văn bản và được mã hóa, vì vậy rất khó phát hiện. Cách hữu hiệu nhất nền tảng này từng áp dụng là hạn chế số lần chuyển tiếp một tin nhắn.
Khi được hỏi liệu WhatsApp có xem xét việc gửi tin nhắn hàng loạt tới người dùng, hướng dẫn họ tìm nguồn thông tin chính xác không, đại diện ứng dụng nói họ không thể và cũng không có ý định đó. "Chúng tôi tin rằng việc quan trọng nhất WhatsApp có thể làm là trao quyền cho các cán bộ y tế, bác sĩ để họ có thể tương tác với công dân, bệnh nhân ngay trên ứng dụng", ông nói.
Khương Nha (theo CNN)