Chính quyền Indonesia đang chiến đấu chống lại những thông tin giả mạo lan truyền giữa những người dân tại đảo Sulawesi, nơi bị tấn công bởi trận động đất mạnh 7,5 độ và sóng thần cao 6 m hôm 28/9, Guardian hôm nay đưa tin.
Tin tức giả cho biết trận động đất khác mạnh tới 8,1 độ sắp xảy ra và đập Bili Bili sẽ sụp đổ do đã có vết nứt, khiến nỗi sợ hãi ở tỉnh Trung Sulawesi ngày càng tăng, trong bối cảnh số người chết đã lên tới 1.407 và được dự đoán chưa dừng lại.
Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia đã bác bỏ hai thông tin này và khẳng định đây là "tin lừa đảo". Chính quyền cũng phủ nhận những tin đồn thất thiệt khác như thị trưởng Palu, thành phố chịu tác động nặng nề nhất, đã thiệt mạng trong thảm họa, hay gia đình các nạn nhân được cung cấp chuyến bay miễn phí tới Palu.
Một số người còn đăng ảnh các thi thể lên mạng và nói rằng đó là nạn nhân động đất hôm 28/9, trong khi những tấm hình được chụp trong thảm họa khác, bao gồm trận động đất 9,1 độ gây ra sóng thần năm 2004 tại đảo Sumatra.
Chính phủ Indonesia tuần trước tuyên bố sẽ tổ chức họp báo hàng tuần để giúp công chúng "phân loại thông tin". Tuy nhiên, người dân Palu cho biết tin tức giả vẫn đang lan truyền.
"Sáng nay mọi người vẫn nói rằng trận động đất mạnh chưa từng có sẽ xảy ra vào ngày 5/10. Tôi nói với họ rằng đó là trò lừa đảo, bởi nếu họ rời khỏi nhà sẽ có người tới và ăn trộm đồ. Đó là lý do chúng lan truyền tin giả", Badarudin, một cư dân ở Palu hôm nay cho biết. Badarudin nói thêm rằng tin giả hầu hết được truyền miệng bởi hệ thống điện của thành phố vẫn bị ngắt và chỉ có vài chỗ để sạc điện thoại.
Bambang Triyono, nhân viên của tổ chức phi chính phủ Aksi Cepat Tanggap (ACT) đang tình nguyện tại Palu, giải thích rằng tin giả thường lan truyền sau thảm họa. "Tình trạng này cũng xảy ra ở Lombok. Vài tuần sau thảm họa, thông tin một cơn sóng thần lớn sẽ ập tới bỗng xuất hiện", ông cho biết, đề cập tới trận động đất trên đảo Lombok hồi cuối tháng 7.
Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBP), từng nhiều lần dùng Twitter để bác bỏ tin tức sai lệch, trong đó có những tin liên quan tới vụ phun trào núi lửa Soputan trên đảo Sulawesi hôm qua. Một số người đã dùng hình ảnh và video giả mạo để làm tăng độ nghiêm trọng của sự việc.
Cảnh sát tiết lộ đã xác định 4 nghi phạm khởi xướng những trò lừa đảo tới từ vùng Majene thuộc tỉnh Tây Sulawesi. "Chúng tôi đã có danh tính và hy vọng sẽ sớm bắt họ", phát ngôn viên cảnh sát Setyo Wasisto cho biết.
Liên Hợp Quốc ước tính gần 200.000 người, trong đó có hàng chục nghìn trẻ em, tại khu vực thảm họa ở Indonesia cần được giúp đỡ khẩn cấp. Những người sống sót ngày càng tuyệt vọng do thiếu nhu yếu phẩm và bệnh viện địa phương quá tải. Dù Jakarta tuyên bố đủ sức ứng phó, Liên Hợp Quốc cho rằng hoạt động cứu trợ đang tiến triển chậm chạp.
Ánh Ngọc