So với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng năm nay tăng khá hơn. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 8, vốn ngân hàng bơm cho nền kinh tế đã tăng 6,45% so với cuối năm 2012. Với kết quả này, nhà điều hành tự tin cho rằng mục tiêu tín dụng tăng cả năm 12% "khả năng đạt được". Cả năm 2012, tín dụng chỉ tăng 8,91%.
Năm nay, với chủ trương chống đôla hóa, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 11,55%. Trong khi đó, các nhà băng liên tục đẩy mạnh vống bằng VND, tính đến hết tháng 8, tín dụng bằng VND đã tăng 10,4%.
Nhiều ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế. Ảnh: Anh Quân. |
Trao đổi với VnExpress.net, hầu hết lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết tín dụng đã tăng mạnh trở lại, đặc biệt từ tháng 8 đến nay. Ông Đặng Bảo Khánh - Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) khẳng định đây là thời gian tín dụng tăng trưởng tốt. Ví dụ như tại SeaBank, nửa đầu năm tín dụng mới tăng được 2% nhưng đến tháng 8, tốc độ tăng trưởng của vốn đẩy ra nền kinh tế đã gần 6% với dư nợ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. "Trong tháng 9, ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân nhiều khoản vay lớn nên tín dụng hoàn toàn có thể tăng 8-9%", ông Khánh ước tính.
Đại diện Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB), ông Nguyễn Văn Lê cũng nói nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng mạnh nhất vào quý III, quý IV. Bằng chứng là riêng trong tháng 8, SHB giải ngân thêm hơn 3.000 tỷ đồng. Tương tự, trong khoảng 10 ngày đầu tháng 9, ngân hàng này cũng cho vay thêm 1.000 tỷ đồng. "Hầu hết nhu cầu vốn của nền kinh tế đều tăng mạnh, doanh nghiệp cần tiền để chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa cho dịp tết. Với đà này, SHB tin chắc tín dụng của ngân hàng sẽ tăng vượt chỉ tiêu 12%", ông Lê cho hay.
Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) từng tăng trưởng tín dụng lẹt đẹt thời gian đầu năm. Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm của Vietcombank cho biết tín dụng của ngân hàng tăng trưởng âm 1,47%. Nhưng đến cuối tháng 8, theo tân Tổng giám đốc Nghiêm Xuân Thành, tình hình khả quan hơn khi dư nợ tăng trở lại 2,8% so với cuối năm 2012. Con số này càng ấn tượng khi tính tới tình hình suy giảm tín dụng ngoại tệ. Vietcombank từng đi đầu về cho vay ngoại tệ thanh toán xuất nhập khẩu, nhưng mảng này sụt giảm trong năm nay khi tình hình ngoại thương của cả nước gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số ngân hàng, tín dụng tăng hầu hết ở nhóm doanh nghiệp lớn, có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Đây cũng là nhóm khách hàng thời gian trước được các nhà băng xếp loại khách hàng tốt nhưng "ngại vay vốn" vì không có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận, để giải ngân những khoản vay lớn cho nhóm khách hàng này, nhà băng sẵn sàng đưa lãi suất xuống mức thấp. "Có doanh nghiệp lớn, uy tín chúng tôi cho vay lãi suất 5% một năm", vị này cho biết.
Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết các doanh nghiệp nhà nước, quy mô lớn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tăng trưởng tín dụng 8 tháng của ngân hàng. Đa phần khách hàng này đều có dự án tốt, quy mô và cần xúc tiến triển khai, hoàn thiện sớm.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn dè dặt trong tiếp cận vốn ngân hàng", ông Thành nói thêm.
Trên thực tế, với những khách hàng lớn, thu nhập từ lãi chỉ là một trong những mục tiêu của nhà băng. "Điều quan trọng là ngân hàng có thể tăng thêm thu nhập nhờ các dịch vụ khác hỗ trợ khi có được những khách hàng này", đại diện ngân hàng trên giải thích.
Trong khi đó, với nhóm khách hàng yếu hơn, khả năng tiếp cận vốn chưa thực sự "sáng". Nhân viên tín dụng một ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng thuộc Top đầu trong năm 2013 cho biết: "Giờ vẫn tìm mọi cách để có khách hàng nhưng điều kiện phải chặt chẽ hơn chứ không làm xuề xòa như trước". Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ thật: "Khi cho vay, chúng tôi quan tâm phương án kinh doanh là một, nhưng sức khỏe nội tại của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Nếu họ chỉ đang thở oxy thì ai dám giải ngân".
Thanh Thanh Lan