Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng trung bình trong giai đoạn 2015-2017 lên tới 61,3%/năm, riêng năm 2018 khoảng 29,3% cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng tín dụng chung và chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống. Ông Trần Nhật Nam - nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư SHB, cho biết vay tiêu dùng tín chấp là giải pháp hiệu quả giúp người dân tự tin hơn trong việc mua sắm, từ đó tăng tổng cầu, thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ, tạo công ăn việc làm trong ngắn hạn.
Sức mua giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2021 ước tính đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng 7 và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã có sự tăng trưởng tốt trong tháng 10/2021, tăng 18,5% so với tháng 9 nhưng vẫn giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước.
Là một người hoạt động trong ngành F&B, chị Uyên Nghi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phải tạm dừng công việc trong nhiều tháng liên tục, kể từ khi dịch bệnh bùng phát. "Thu nhập của tôi gần như không có trong những tháng dịch cao điểm, nhà hàng phải đóng cửa trong khi vẫn mất tiền thuê mặt bằng và nhiều chi phí khác. Đây có thể nói là thời gian khủng hoảng tài chính nhất với tôi cũng như gia đình từ trước tới nay", chị Nghi bày tỏ.
Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng nhưng để nền kinh tế và thu nhập cá nhân được phục hồi đang là bài toán khó, chưa thể khắc phục ngay lập tức. Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng dẫn đến sức mua giảm, khiến huyết mạch kinh tế đất nước bị trì trệ, không được lưu thông như trước đây.
Tín dụng là giải pháp khả quan cho người tiêu dùng
Cũng theo ông Nam, dù đang dần được khắc phục nhưng nền kinh tế vẫn cần những giải pháp cấp thiết và thực tế để phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là để tăng tổng cầu.
Hoạt động này giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng này để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại. So với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không đảm bảo, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Các tổ chức tín dụng liên tục tạo điều kiện cho người dân cũng như doanh nghiệp vay vốn trong bối cảnh này. Tính đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức này đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Với trường hợp chị Uyên Nghi, thu nhập đang bị hao hụt trong những tháng dịch vừa qua nhưng nhu cầu chi tiêu trong gia đình lại tăng lên, do đó phải nhờ đến biện pháp vay tiêu dùng tín chấp để mua laptop cho con học online và đồ điện tử cho cả nhà. Chị chia sẻ: "Thời buổi dịch bệnh khó khăn nên muốn vay nhanh khoảng vài chục triệu đồng từ người thân, bạn bè cũng tương đối khó. Tìm đến công ty tài chính là giải pháp kịp thời giúp gia đình tôi có được khoản vay nhanh, phù hợp với khả năng trả trong thời gian ngắn".
Ngoài chị Uyên Nghi, nhiều người dân khác cũng tìm đến giải pháp vay tiêu dùng để giải quyết các nhu cầu trước mắt. Anh Huy Khôi (Cầu Giấy, Hà Nội) đã sử dụng 100 triệu vốn vay tiêu dùng để sửa chữa lại ngôi nhà đang ở trong thời gian phòng dịch. Được biết, thủ tục vay tín chấp của anh Khôi được hoàn tất rất nhanh, không vướng nhiều rào cản pháp lý và anh dự kiến sẽ trả hết trong một năm tới.
Từ việc vay tiêu dùng để phục vụ mục đích chi tiêu cá nhân, có thể thấy đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân. Cho vay tiêu dùng tín chấp nhằm hỗ trợ nguồn tài chính giúp người tiêu dùng có thể trang trải các nhu cầu trong cuộc sống như nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt, học tập, du lịch, y tế và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống trước khi họ có đủ khả năng về tài chính.
Những lưu ý cho người tiêu dùng khi vay tiêu dùng
Nêu quan điểm về việc vay tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, ông Trần Nhật Nam cho biết: "Người tiêu dùng chỉ nên chi tiêu trong thu nhập tạo ra, tránh tình trạng phải đi vay tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với một số cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt, cần vay để đầu tư tạo ra thu nhập thì vay tiêu dùng sẽ có rất nhiều lợi ích. Còn đối với những ai đã có thu nhập nhưng vẫn vay tiêu dùng sẽ không tốt cho tài chính cá nhân trong dài hạn".
Ông Nam cho biết thêm, ở các nước phát triển, người dân thường vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng được ngân hàng cấp. Phương pháp này khá an toàn đối với cả ngân hàng, tổ chức tín dụng và người đi vay vì họ đã được đánh giá điểm tín nhiệm để được cấp hạn mức tín dụng. Đối với những nền kinh tế đang phát triển hoặc mới phát triển như Việt Nam, dân số chưa có điểm tín dụng để được đánh giá một cách chính thức. Điều đó dẫn đến người Việt Nam vay tiêu dùng sẽ không được bảo vệ vì mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường cao, rủi ro không trả được nợ cũng tác động ngược lại phía ngân hàng, công ty tài chính.
Có thể thấy, vay tiêu dùng giúp người dân quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, tạo nền tảng để sử dụng các dịch vụ tài chính khác. Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng góp phần thúc đẩy tổng cầu, tăng cường sản xuất và nối liền huyết mạch cho nền kinh tế.