Thông tin này được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu tại họp báo thường kỳ Chính phủ, ngày 7/12. Theo đó, ông Tú cho biết tính đến nay, câu chuyện tín dụng đã được giải quyết tích cực dù gặp một số khó khăn ngay từ đầu năm.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/11 đạt 11,9% so với cuối năm 2023. Còn tính tới hôm nay (7/12), tín dụng tăng 12,5%. Con số này tích cực hơn khi so với thời điểm này năm ngoái (tăng 9%).
Cùng đó, tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 15,3 triệu tỷ đồng. Huy động vốn cũng đạt 14,8 triệu tỷ đồng với tốc độ tăng thấp hơn so với dư nợ.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. "Theo thông lệ, cuối năm là thời điểm giải ngân lớn, do đó, chỉ tiêu này có thể đạt được", ông Tú nói.
Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng tích cực, Phó thống đốc cho biết nền kinh tế có nhiều thuận lợi trên tất cả lĩnh vực. Chẳng hạn, xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi...
Thêm vào đó, việc điều hành đồng bộ, từ kinh tế ngành đến vĩ mô, chính sách tài khoá, tiền tệ hài hoà cũng giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn. Từ đó, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được cải thiện.
Ông Tú cũng cho biết tăng trưởng tín dụng cải thiện còn do năm nay, các ngân hàng được chủ động xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng. Nhà băng nào hết hạn mức được giao từ đầu năm cũng được chủ động nới thêm mà không phải chờ Ngân hàng Nhà nước thông báo như trước đây.
Cùng đó, so với đầu năm, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96%. Việc này giúp doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cũng tháo gỡ nhiều thủ tục, quy định, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ sau cơn bão số 3. Tín dụng cho bất động sản, chứng khoán vẫn kiểm soát chặt rủi ro nhưng vẫn tạo điều kiện cho 2 lĩnh vực này khởi sắc hơn.
Tăng trưởng tín dụng năm nay có khả năng đạt mục tiêu là một nhân tố kích thích cho tăng trưởng kinh tế năm 2024, . theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. "Nếu không có những biến động lớn xảy ra, như bão lũ hay tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta có cơ sở đạt mức tăng trưởng 7% năm nay", ông Phương nói.
Năm 2025, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%. Song, Thủ tướng chỉ đạo mục tiêu tăng trưởng năm sau đạt 8%, nhằm tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên còn nhằm hướng tới dài hạn hơn là đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có mức thu nhập cao vào 2045.
"Để đạt được mục tiêu dài hạn như vậy, phải bắt đầu ngay từ bây giờ", ông nói, thêm rằng nhà điều hành sẽ quyết tâm thực hiện, không bàn đến vấn đề quá sức hay không.
Dù vậy, Thứ trưởng cho rằng mức mục tiêu 8% trên có cơ sở để đạt được nhờ tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2024. Cùng đó, đà tăng có thể được hỗ trợ nhờ sự thay đổi về thể chế với hàng loạt luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. "Các luật này sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm 2025, có thể kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc", ông nói thêm.
Phương Dung