Vào ngày Thứ sáu Tuần Thánh hôm nay, hầu hết tín đồ Công giáo trên thế giới dự thánh lễ hoặc dành thời gian với gia đình. Nhưng nhiều tín đồ ở làng San Juan, San Fernando, tỉnh Pampanga, miền bắc Philippines, lại chọn biện pháp cực đoan như một cách "chuộc tội", bất chấp sự phản đối của giáo hội.
Tuần hành bằng chân trần qua những con phố nhỏ hẹp trong làng, hàng chục người đàn ông đội vòng làm từ dây leo, phủ khăn che mặt, không ngừng quất roi tre lên lưng đến tứa máu. Một số còn dừng lại, phủ phục trên mặt đất để những người khác đánh mình bằng dép tông và các khúc gỗ.
"Tôi làm điều này vì gia đình, để giúp họ khỏe mạnh hơn", Daren Pascual, tín đồ 31 tuổi, nói sau khi tham gia lễ tự quất roi. "Chỉ cần cầu nguyện là sẽ không cảm thấy đau đớn nữa".
Trong phần cuối của buổi lễ, những tín đồ mặc trang phục La Mã hộ tống ba người đàn ông đến một gò đất. Hai trong số họ bị trói vào một cây thánh giá gỗ.
Ngư dân 66 tuổi Wilfredo Salvador, người đóng vai Chúa Jesus, sau đó bị đóng đinh xuyên qua lòng bàn tay và bàn chân, trong khi du khách đứng xung quanh giơ điện thoại quay phim, chụp ảnh.
Vài phút sau, họ rút đinh, hạ Salvador xuống và đưa ông lên cáng đến lều y tế để kiểm tra.
"Chúa ban cho tôi sức mạnh thể chất khác người để chịu được đau đớn. Tôi tự nguyện làm điều này. Tôi cảm ơn Ngài đã ban cho tôi cuộc sống thứ hai", ông Salvador, người bắt đầu tham gia màn đóng đinh này từ 15 năm trước sau một đợt trầm cảm, nói. Ông sau đó về nhà bằng taxi.
Bộ Y tế Philippines cảnh báo những người tham gia sự kiện về nguy cơ mắc uốn ván và các bệnh nhiễm trùng khác. Nhưng cảnh tượng này vẫn diễn ra nhiều thập kỷ qua tại các làng xung quanh thành phố San Fernando, cách Manila khoảng 70 km về phía bắc, dù bị tạm hoãn trong ba năm Covid-19.
"Sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh là quá đủ để cứu nhân loại khỏi tội lỗi", linh mục Jerome Secillano, thư ký điều hành Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines, nói. "Nếu bạn muốn được tha thứ, hãy đi xưng tội".
Gần 80% người Philippines theo Công giáo, sau khoảng 300 năm thuộc địa Tây Ban Nha, kết thúc vào đầu thế kỷ 20.
Đức Trung (Theo AFP)