Số tin báo phản ánh tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng trực tuyến đang tăng đột biến. Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị lạm dụng (Mỹ), trong tháng 4 đã tiếp nhận 4,1 triệu tin báo qua mạng trực tuyến, tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, số tin báo tiếp nhận vào tháng 3 là 2 triệu vụ, gấp đôi so với tháng 3/2019. Tới tháng 5, số tin báo có xu hướng chững lại nhưng khối lượng vẫn cao hơn hẳn mức trung bình. Lượng tin báo lớn như trên đã tạo áp lực cho lực lượng chức năng trong khi họ cũng đang phải xử lý nhiều vấn đề khác trong đại dịch, theo John Shehan, người đứng đầu đơn vị bảo vệ trẻ em bị lạm dụng của Trung tâm.
Đơn vị chống tội phạm trẻ em của phòng cảnh sát thành phố Los Angeles (Mỹ) cũng cho biết riêng tháng 4 đã nhận được gần 3.000 tin báo, tăng hơn gấp đôi so với tháng 3.
Từ 23/3, FBI đã ra thông cáo cảnh báo về rủi ro trẻ em bị lạm dụng qua mạng trực tuyến tăng cao khi trường học đóng cửa do Covid-19. Các em vì thế học trực tuyến và cũng sử dụng máy tính nhiều hơn. Tình trạng này cũng có xu hướng tăng tại các nước trong EU trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa chống đại dịch.
Alicia Kozakiewicz, chuyên gia về an toàn trên internet và người hoạt động vì quyền trẻ em, cho biết đây là chuyện đáng buồn nhưng không ngoài dự đoán do các em hiện không có kênh giao tiếp xã hội nào khác ngoài mạng internet.
Theo Kozakiewicz, ngoài mạng xã hội phổ biến như Facebook và Instagram, kẻ xấu thường rình rập trên trang web trò chuyện trực tuyến không phổ biến và các nền tảng trò chơi điện tử. Ban đầu, các cuộc trò chuyện có nội dung trong sáng rồi dần mang sắc thái gợi dục.
Kẻ xấu sau đó chia sẻ hình ảnh và video nhạy cảm có sẵn rồi dụ dỗ các em đăng tải nội dung mới. Với những em trót gửi một lần, kẻ xấu thường dùng chính ảnh hoặc video đã nhận để cưỡng ép gửi thêm. Nội dung nhận được, kẻ xấu dùng để thỏa mãn ham muốn cá nhân hoặc đem chia sẻ, bán lại cho những kẻ khác trên trang web ngầm. Không chỉ vậy, việc làm quen qua mạng trực tuyến còn có thể là phương thức kẻ xấu chăn dắt trẻ em để có thể gặp mặt và xâm hại trực tiếp.
Lạm dụng tình dục trẻ em, kể cả ngoài đời hay qua mạng trực tuyến, đều để lại hậu quả khôn lường như khiến các em gặp khủng hoảng tâm lý, xa lánh gia đình, không dám tin ai, sa sút trong học tập, phạm tội, hoặc tìm tới cái chết...
Nhà chức trách khuyến cáo phụ huynh cần cảnh giác và theo kịp sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội. Người trưởng thành cũng cần nhận thức được rằng nạn lạm dụng tình dục có thể diễn ra qua livestream, kẻ xấu không cần gặp trực tiếp trẻ em.
Thay vì chờ đợi dấu hiệu trẻ em bị hại, bố mẹ cần chủ động kiểm tra lịch sử duyệt web của con, đồng thời cần nói chuyện về những vấn đề như con đang trò chuyện với ai trên mạng, quen nhau như thế nào... Không chỉ vậy, bố mẹ cần thể hiện các con có thể nói chuyện với mình bất cứ khi có vấn đề trong thế giới trực tuyến mà không sợ bị phạt (ví dụ bị tịch thu điện thoại). Nếu người lớn chủ động, trẻ em sẽ mạnh dạn lên tiếng hơn.
Quốc Đạt (Theo The Los Angeles Times, Reuters, FBI)