Hơn 15 năm trước, Boll khiến người Đức tự hào khi lần đầu chiếm ngôi số một của Liên đoàn bóng bàn thế giới (ITTF), khi mới 21 tuổi. Chiến thắng trước đồng hương kiêm cựu số một thế giới Dimitrij Ovtcharov ở chung kết Top 16 Cup tại Montreux (Thụy Sỹ) đầu tháng 2/2018 giúp Boll một lần nữa lên đỉnh ITTF. 15 năm thường là cả chiều dài sự nghiệp cầm vợt của một VĐV, nhưng với tay vợt huyền thoại người Đức, đó chỉ là khoảng cách từ đỉnh cao này đến đỉnh cao khác.
“Về mặt thể chất, rõ ràng tôi không còn ở mức tốt như xưa, nhưng tôi đang hoàn thiện hơn bao giờ hết ở kỹ thuật”, tay vợt người Đức nói với tờ FAZ sau khi thiết lập kỷ lục đáng nể trong làng bóng bàn. Sau năm 2017 thành công với danh hiệu Tay vợt hay nhất năm do ITTF trao, Boll vẫn không thể tin anh đã trở lại vị trí số một. Lần gần nhất Boll làm được điều tương tự đã cách đây gần bảy năm. Tay vợt 36 tuổi còn phá sâu kỷ lục cũ của Jan-Ove Waldner, khi lần cuối huyền thoại người Thụy Điển giữ đỉnh bảng là khi ông 32 tuổi và 28 ngày.
“Vài ngày trước, khi Dima (biệt danh của Ovtcharov) đến gặp và nói rằng tôi sẽ lên đỉnh thế giới ở bảng điểm tháng 3/2018, tôi tưởng cậu ấy đùa. Nhưng Dima rất rành những thống kê. Giờ đây, khi máy tính đã chính thức đưa ra kết quả, tôi không muốn giấu niềm hạnh phúc. Đây là thành quả cho nỗ lực miệt mài của tôi nhiều tháng qua, cũng là minh chứng cho sự bền bỉ của tôi. Đầu năm nay, tôi từng có ý kiến về hệ thống tính điểm của ITTF hiện tại. Dĩ nhiên, lúc này tôi cũng không thay đổi quan điểm. Dù đang đứng trên đỉnh, tôi vẫn tin rằng Mã Long, Phàn Chấn Đông hay Dimitrij Ovtcharov mới xứng đáng là số một”, Boll khiêm nhường viết trên Facebook.
“Sự thật là hệ thống tính điểm mới không cho tay vợt thời gian nghỉ ngơi, nếu gặp chấn thương thì hiển nhiên mất điểm. Để có thứ hạng cao, chúng tôi phải thi đấu nhiều hơn. Đó chính là điều tôi đã làm trong 12 tháng qua, cũng vì không dính phải chấn thương – một lợi thế lớn với tôi”, số một thế giới thuận tay trái lý giải thêm.
Như mọi người Đức điển hình, bóng đá là một trong những môn thể thao ưa thích của Boll. Anh từng khoác áo U9 và U11 1875 Hoechst một thời gian ngắn, thi đấu ở vị trí tiền đạo. Anh từng ghi tới 90 bàn chỉ trong một mùa giải ở quận. Nhưng với Boll, bóng bàn mới là “tình yêu của cuộc đời”, như anh từng nói trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã.
Timo Boll bắt đầu chơi bóng bàn từ năm lên bốn tuổi, qua những bài học từ bố - Wolfgang Boll, vốn là tay vợt nghiệp dư. Trong anh vẫn còn nguyên ký ức về quả bóng bay đi bay lại nhịp nhàng, trên chiếc bàn chữ nhật, nơi Wolfgang và những người bạn thư giãn sau ngày làm việc căng thẳng. Timo không chơi bóng bàn nhiều, nhưng đủ để ông Wolfgang nhận ra tiềm năng của con trai duy nhất trong gia đình, muốn cậu bé trở thành tay vợt chuyên nghiệp.
So với ông Wolfgang, mẹ của Timo – bà Boyle - quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và chuyện học hành của con trai. Năm lớp ba, sau khi Timo bị một đối thủ to con húc ngã trong một trận bóng đá, Boyle thúc giục con trai từ bỏ môn thể thao vua. “Bóng đá thực sự không phù hợp với tôi”, Boll nói trên Kicker. “Tính cách của tôi không hợp với môn đòi hỏi thể lực. Chơi bóng bàn an toàn hơn nhiều và đối thủ cũng rất thân thiện”.
Năm 1989, khi tham dự một giải tuyển chọn tài năng, Boll lọt vào mắt xanh của người thầy Helmut Hampl. HLV từng phát hiện ra tài năng của Jorg Rosskopf - nhà vô địch Cup Thế giới 1998 - hồi tưởng: “Timo Boll thể hiện quyết tâm cao với khả năng di chuyển thanh thoát và chính xác”.
Sau thời gian ngắn dạy dỗ Boll, Hampl nhận ra đây là tài năng lớn nhất bóng bàn Đức từng sản sinh. “Thông thường, các VĐV tài năng sẽ được gửi tới trường năng khiếu ở Heidelberg, nhưng Boll là cậu bé nhạy cảm và chúng tôi không thể dễ dàng tách cậu ấy khỏi gia đình và người thân. Ở trường năng khiếu, Boll thường xuyên khóc vì nhớ nhà, bạn bè và chú chó của cậu bé”, Hampl tiết lộ.
Không còn cách nào khác, Hampl nảy ra sáng kiến độc đáo, nhưng vấp phải không ít chỉ trích. Với tư cách HLV trưởng CLB Gonnern, ông đề nghị đội ký hợp đồng với Boll, khi đó mới 14 tuổi. Boll chỉ xếp ở vị trí thứ năm trong đội, thi đấu ở giải hạng hai. Nhưng anh chỉ thua duy nhất một trận trong cả mùa giải, góp công lớn đưa Gonnern lên chơi ở hạng đấu cao nhất toàn quốc – Bundesliga. Suốt mùa giải, Boll vẫn sống ở quê hương, cách Gonnern 170 km. Anh được đưa đi, đón về mỗi ngày. Hampl bị nhiều HLV khác cho là kẻ điên, nhưng sự mạo hiểm của ông được đền đáp. Boll không những trở thành tay vợt trẻ nhất giải quốc gia, mà anh còn tiến bộ không ngừng nghỉ.
Đức cũng có vị trí trên bản đồ bóng bàn thế giới, nhưng để thống trị bảng ITTF, Boll tìm đến Trung Quốc để tầm sư học đạo. 16 tuổi, Boll lần đầu đặt chân đến cường quốc bóng bàn, dự một trại hè dành cho các tài năng bóng bàn trẻ. Từ đó đến nay, Boll đã ghé thăm Trung Quốc hơn 50 lần, có những lúc dừng chân đến vài tháng để tăng cường cọ xát và tích lũy kinh nghiệm. Nỗ lực của Boll còn được thể hiện qua cách anh miệt mài học tiếng Trung, thường xuyên xuất hiện trong các đài truyền hình bản địa mà không cần phiên dịch.
Boll lần đầu vào top 10 thế giới năm 2002, và anh chỉ mất một năm để chiếm đỉnh bảng. Trong hành trình đến với vị trí số một, Boll thắng nhà vô địch thế giới Vương Lệ Cần và nhà vô địch Olympic Khổng Lệnh Huy để đoạt Cup Thế giới 2002.
Sau khi giữ đỉnh ITTF trong tám tháng năm 2003, sự nghiệp của Boll bị đe dọa khi anh gặp chấn thương lưng giai đoạn 2004-2005. Dẫu vậy, sự bền bỉ vẫn giúp Boll đứng vững trong top 10, với những thành tích cao ở Pro Tour do ITTF tổ chức. Trong 23 năm thi đấu chuyên nghiệp, Boll đã có hai Cup thế giới, sáu lần vô địch đơn nam châu Âu và 19 lần đoạt Pro Tour.
Danh hiệu còn thiếu với Boll lúc này là HC vàng Olympic, nhưng anh vẫn đang hướng tới Tokyo 2020 với quyết tâm cao độ, dù khi đó sẽ 39 tuổi. “Tôi chưa muốn nghĩ đến chuyện giải nghệ, và sẽ tiếp tục thi đấu cho đến khi cơ thể vẫn còn cho phép tôi làm vậy. Olympic 2020 là mục tiêu tiếp theo của tôi”, anh nói.
Boll đã đương đầu với nhiều thế hệ đối thủ Trung Quốc, từ Khổng Lệnh Huy, Lưu Quốc Lương đến Mã Lâm, Vương Lệ Cần, Vương Hạo, Trương Kế Khoa, Mã Long và Phàn Chấn Đông. Khổng và Lưu đã chuyển sang công tác huấn luyện. Mã Lâm, Vương Lệ Cần và Vương Hạo cũng giải nghệ. Chỉ có Boll vẫn tiếp tục chiến đấu, và thành công. Ở bán kết Cup thế giới 2017, Boll bị Lâm Cao Viễn dẫn tới 10-4 ở game thứ bảy, vẫn ngược dòng để thắng lại 13-11. Tay vợt người Đức không bao giờ từ bỏ khi cơ hội vẫn còn.
Dù đã ba lần nằm trong top ba VĐV thể thao hay nhất năm của Đức, Boll vẫn không tự coi anh là một ngôi sao. “Tôi chỉ là một tay vợt bóng bàn giỏi, cũng như một anh chàng bán bánh mì ngon. Cả hai đều cố gắng làm tốt nhất công việc của mình. Nhưng chúng tôi không phải ngôi sao”, Boll nói.
Tính khiêm tốn đã ngấm sâu vào máu của tay vợt 36 tuổi, khiến người Đức ví anh với danh thủ bóng rổ Dirk Nowitzki – từng là Cầu thủ hay nhất (MVP) NBA 2006-2007 cùng Dallas Mavericks. Cả hai cũng là bạn thân sau khi quen nhau ở Olympic Bắc Kinh 2008, nơi Nowitzki cầm cờ cho đoàn thể thao Đức. Tám năm sau, ở Rio 2016, đến lượt Boll mang trọng trách dẫn đầu đoàn thể thao Đức trong lễ khai mạc.
Sự thống trị của Trung Quốc ở bóng bàn thế giới là không thể bàn cãi. Kể từ khi xuất hiện tại Olympic Seoul 1988, Trung Quốc đã giành 28 trong số 32 HC vàng đã trao. Từ năm 1996 đến nay, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng chỉ tuột một HC vàng, ở nội dung đơn nam tại Athens 2004.
“Boll giống như đối thủ của đất nước Trung Quốc, với hơn 1,3 tỷ dân. Chừng nào anh ấy còn thi đấu, tôi sẽ không thể ngủ an giấc”, HLV tuyển Trung Quốc – Lưu Quốc Lương - từng nói. Không còn lời khen nào ý nghĩa hơn thế. Một trong những clip phổ biến nhất của Boll trên Youtube, với khoảng nửa triệu lượt xem, có tiêu đề: “Chàng trai có thể đánh bại người Trung Quốc”.
Boll là đối trọng lớn bậc nhất với bóng bàn Trung Quốc, nhưng sự khiêm nhường của Boll càng giúp anh trở thành ngôi sao tại đó. Mỗi khi đáp chuyến bay xuống Bắc Kinh, anh lại được người hâm mộ vây quanh và hô vang tên anh. Số một thế giới người Đức có khoảng 173.000 người theo dõi trên mạng Weibo của Trung Quốc, nhiều gấp khoảng bốn lần so với danh thủ bóng đá đồng hương Thomas Muller.
Một tạp chí Trung Quốc dành cho nữ giới gọi Boll là “Người đàn ông quyến rũ nhất hành tinh”. Một tờ báo khác coi anh là “VĐV có sức hút nhất thế giới”, đứng trên cả David Beckham. Sau mỗi trận đấu ở Trung Quốc, Boll được cảnh sát hỗ trợ để đưa về khách sạn. Có những thiếu nữ còn trèo lên cây chỉ để coi lén phòng thay đồ của Boll. Tại Trung Quốc, sự nổi tiếng của anh sánh với Yao Ming (bóng rổ), Liu Xiang (chạy vượt rào) và Li Na (quần vợt).
Được nhiều cô gái săn đón và đeo đuổi, Boll lại sớm lên xe hoa năm 22 tuổi. Bạn đời của anh – Rodelia Jacobi – là một cô gái gốc Philippines, di cư đến Đức năm lên bảy tuổi. Hai người gặp nhau trong một nhà hàng ở Đức và Boll, khi đó mới 18 tuổi, đã yêu Jacobi ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Chuyện tình của hai người không được sự ủng hộ của truyền thông Đức, khi Boll được coi như “Người hùng quốc dân”, còn Jacobi không mạnh về nhan sắc, với nước da ngăm đen. Đập tan điều tiếng dư luận, Boll đăng đàn và nói: “Tôi yêu cô ấy, thế là đủ”. Lễ cưới của Boll và Jacobi chỉ gồm bạn bè và người thân, khi cô dâu thậm chí không mặc váy cưới khi cử hành hôn lễ. Đôi uyên ương đang chung sống yên bình ở một thị trấn nhỏ có tên Hearst, cách xa thành phố Frankfurt.
Vượt lên trên vẻ điển trai và tài năng thiên bẩm của Boll với trái bóng nhựa, là tinh thần cao thượng, đáng để học hỏi. Trong một trận đấu ở Cup Thế giới 2005, tại Thượng Hải, Boll đối mặt với điểm match point. Khi đó, trọng tài không nhìn được tình huống bóng đã liếm mép bàn ghi điểm, mà đối thủ của Boll vừa thực hiện. Anh liền sửa lại quyết định của trọng tài, sau đó thua trận. “Trong cả sự nghiệp thể thao, những gì chúng ta làm là kiếm tiền, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tình yêu và sự công bằng”, anh nói sau trận đấu đó.
Timo Boll và Roger Federer cùng lên đỉnh thế giới ở tuổi 36, sau hơn nửa thập kỷ chờ đợi. Cả hai xứng đáng là đại sứ cho môn thể thao mà họ đam mê, phù hợp đến từng góc cạnh. Trung Quốc có thể thống trị thế giới bóng bàn, nhưng Boll mới là biểu tượng của làng bóng nhựa, giống như Federer ở giới banh nỉ.
Xuân Bình
Ảnh: ITTF, huanqiu, FAZ