Ở phương pháp này, mẫu đờm của người nghi bị lao phổi sẽ được lấy để đưa vào máy để nuôi cấy. Nếu có, vi trùng lao sẽ xuất hiện trong thời gian từ 1 đến 2 tuần nuôi. Các bác sĩ tiếp tục làm kháng sinh đồ để tìm loại thuốc điều trị hiệu quả.
Sau khi chụp ảnh phổi thấy nghi ngờ mắc lao, bệnh nhân sẽ được cấy vi trùng bằng máy. Ảnh: Thiên Chương. |
Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện cho biết, phương pháp cấy vi trùng lao vượt trội so với phương pháp cũ ở tính chính xác. "Một số mẫu đờm cho kết quả âm tính vi trùng lao trong phương pháp soi cũ, khi đưa vào máy cấy kiểm tra, lại phát hiện vi trùng", ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, tại TP HCM, Viện Pasreur và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng có thực hiện phương pháp này, tuy nhiên nhu cầu xét nghiệm lao luôn cao nên bệnh nhân phải thường xuyên chờ đợi.
Bác sĩ Dương Thị Cẩm Nhung, trưởng khoa Khám sức khỏe xuất cảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng thừa nhận, nhu cầu xét nghiệm lao cho người xuất cảnh và những bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lao hiện nay khá cao. Mỗi ngày, trong gần 200 người đến khám sức khỏe tại bệnh viện thì đã có khoảng 9% phải làm xét nghiệm vì nghi bị lao.
Ngoài những người xuất cảnh có nhu cầu xét nghiệm vi trùng lao, Bệnh viện Chợ Rẫy còn nhận mẫu cấy vi trùng lao cho các đối tượng khác. Hiện chi phí cho mỗi lần cấy mẫu đờm khoảng 27 USD. Mỗi bệnh nhân phải cấy từ 3 đến 6 lần, mới có kết quả chính thức.
Thiên Chương