Trên đây là quan điểm của nhiều chuyên gia tại hội thảo về những thách thức trong thực hiện y đức hiện nay do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 6/3.
Giáo sư Trần Quỵ, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, xét về mặt tâm lý, người bệnh đang yêu cầu người thầy thuốc và bệnh viện quá mức trong lúc điều kiện đáp ứng của bệnh viện không thể có. Họ coi trách nhiệm của bệnh viện là phải đáp ứng các yêu cầu của họ mà không thấy trách nhiệm của mình là hợp tác với bệnh viện để tìm mọi cách tốt nhất điều trị.
"Họ cũng quen với cơ chế bao cấp, chữa bệnh không mất tiền, nay theo cơ chế thị trường, người bệnh phải đóng viện phí một phần. Trong lúc bảo hiểm y tế toàn dân chưa được thực hiện, đồng tiền được đặt giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Do đó, dễ gây thắc mắc, căng thẳng giữa người thầy thuốc và người bệnh", giáo sư Quỵ nhận định.
Bệnh viện quá tải, đến hành lang cũng được tận dụng để kê giường bệnh, gây căng thẳng cho cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân và người nhà. Ảnh: N.P. |
Theo ông, chính vì những sự thay đổi đó mà với ngành y tế, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi phải phấn đấu cao hơn và quan tâm sâu sắc hơn, để giảm bớt những tiêu cực. Đồng thời, cần có những quy định cụ thể về y đức để điều chỉnh hành vi của người thầy thuốc trong mối quan hệ với người bệnh, người nhà bệnh nhân...
Còn phó giáo sư Trần Hữu Nghị, Giám đốc Bệnh viện E thì cho rằng, hầu hết các bệnh viện công chỉ ngang tầm nhà trọ, nhà khách chưa có sao hạng. Tuy nhiên, nhu cầu của người bệnh và người nhà lại quá cao, hay so sánh với dịch vụ của khách sạn và những dịch vụ y tế đắt tiền ở nước ngoài. Vì vậy, hiện nay có sự đòi hỏi giới thầy thuốc quá mức.
"Khi những đòi hỏi đó không được đáp ứng thì dư luận sẵn sàng lên án những bất cập trong ngành y. Trong khi đó, Nhà nước duy trì cơ chế giá dịch vụ y tế bất hợp lý so với giá thành nên không thể có chất lượng theo kiểu nhanh - nhiều - tốt - rẻ. Tục ngữ có câu Có thực mới vực được đạo, vì vậy, việc cải cách tài chính công là một lối thoát cho tình trạng hiện nay", phó giáo sư Nghị nói.
Tiến sĩ Trần Hữu Thăng, Phó chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam cũng thừa nhận, người thầy thuốc với cơ chế hiện nay có nhiều quyền lực nên dễ dẫn đến lạm dụng quyền, bị tha hóa.
Chính vì vậy, theo ông điều cần thiết là phải đưa y đức vào luật, cụ thể hóa thành luật. Hiện nay, Tổng hội đang nghiên cứu, xin ý kiến Bộ Y tế và soạn thảo để đưa những nội dung quy định về y đức vào chung với Luật Khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo việc dạy y đức trong tất cả các trường chuyên ngành y trong năm đầu và năm cuối có thực hành, liên hệ, rút kinh nghiệm trong suốt thời gian thực hành tại bệnh viện, để khi ra trường thầy thuốc không còn bỡ ngỡ về y đức.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, điều quan trọng căn bản vẫn là giáo dục và duy trì tính bản thiện trong mỗi con người ngay từ khi còn nhỏ trong gia đình, nhà trường. "Ngày xưa ở nông thôn, có một rổ ngô rang, đun một ấm nước chè, tất cả mọi người cùng ăn, còn bây giờ những hình ảnh này không còn nữa. Lối sống cá nhân, thành thị, nhà nào biết nhà nấy, bóp chết cái tính lương thiện trong con người", ông Thăng nói.
"Nếu chúng ta tạo được một xã hội của tình thương yêu, mọi người có thói quen giúp người khác như thói quen thường ngày thì người thầy thuốc sẽ làm việc bằng tất cả đạo đức của mình. Cũng như chúng ta có thói quen tập thể dục, ngày nào không tập là không chịu được. Y đức cũng thế nếu chúng ta có thói quen giúp người khác thì mình không dám nhận tiền của ai cả", tiến sĩ Thăng nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, nâng cao y đức đối với cán bộ y tế là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Bộ Quy tắc ứng xử ngành y được Bộ Y tế ban hành từ năm 2008, trong đó quy định 5 điều cán bộ, nhân viên y tế không được làm. Tuy nhiên, đâu đó, người dân vẫn ca thán về thái độ, hành vi, ứng xử của nhân viên y tế, đặc biệt là phải lót tay bác sĩ, y tá…
Nam Phương