Cả hai hiện vật đang được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, chờ các nhà khoa học, quân sự tổ chức hội thảo đánh giá.
Trước đó ngày 22/9/2020, quá trình thi công đường vào khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, công nhân phát hiện chiếc thuyền gỗ nằm ở độ sâu 1m, gần chân núi đá vôi, cách bãi cọc khoảng 300 m. Thuyền dài hơn 8 m, được làm bằng nguyên cây gỗ, đường kính chỗ rộng nhất gần 1,5 m.
Ít ngày sau, thuyền bằng nguyên cây gỗ lim dài 7 m được khoét rỗng, một đầu đẽo nhọn, một đầu đẽo bằng, cũng được tìm thấy tại khu vực này.
Bãi cọc Cao Qùy được phát lộ vào cuối năm 2019 tại ngã ba dẫn vào con lạch thông ra sông Giá và cửa sông Bạch Đằng. Gần 40 cọc gỗ được tìm thấy, trong đó có nhiều cọc bằng gỗ lim, sến, táu... Nhiều nhà nghiên cứu nhận định đây "có thể là một trong những bãi cọc chiến trận quy mô lớn, liên quan đến chiến dịch Bạch Đằng của quân và dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288".
Theo một số nhà khoa học, vị trí tìm thấy thuyền gỗ nằm bên con lạch triều cổ, bắt nguồn từ sông Đá Bạc và thông ra sông Giá. Có thể để ngăn đường lui của quân Nguyên Mông, quân và dân nhà Trần đã cho đóng cọc tại cửa con lạch. Sau cả nghìn năm, con lạch bị phù sa bồi đắp, trở thành ruộng vườn, làng mạc.