Các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện một hóa thạch sọ người có niên đại cách đây khoảng 16.000 năm và gần như còn nguyên vẹn ở huyện Long An, tỉnh Quảng Tây. Đây là hóa thạch sọ người thời kỳ đồ đã cũ đầu tiên được tìm thấy ở phía tây nam Trung Quốc, CGTN hôm qua đưa tin.
Hóa thạch được khai quật tại một ngôi mộ trong khu hang động khảo cổ Yahuaidong ở huyện Long An, tỉnh Quảng Tây. Bên cạnh sọ người hoàn chỉnh, các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều hiện vật như đồ gốm, đá vỏ chai, dụng cụ đánh lửa, dụng cụ bằng đá, hay các mẩu xương hóa thạch và răng còn sót lại của động vật.
Theo Archaelogogy News Network, rất hiếm hóa thạch người tiền sử và mộ từ thời kỳ đồ đá cũ được tìm thấy ở Trung Quốc. Phát hiện ở tỉnh Quảng Tây là ngôi mộ thứ hai thuộc thời kỳ đồ đá được phát hiện ở quốc gia này, sau ngôi mộ cổ trong khu hang động Shandingdong ở miền bắc Trung Quốc.
Phát hiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà khoa học trong việc nghiên cứu người tiền sử. Theo nhà khảo cổ Xie Guangmao từ Viện Khảo cổ học và Bảo vệ Di sản Văn hóa Quảng Tây, hóa thạch sọ người và các hiện vật ở khu hang động Yahuaidong có thể cho biết về quá trình di cư và phong tục mai táng của người tiền sử vào cuối thời kỳ đồ đá cũ.