Tìm thấy một tác phẩm bị thất lạc của Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn (trái) và Phan Văn Bình (phải) những năm 1960. (Click vào ảnh) |
Đinh Cường kể: "Thời sống ở Quy Nhơn, mùa hè năm 1964, trong lễ ra trường, Sơn đã dàn dựng cùng bạn bè hát rất thành công. Sơn chép tặng tôi mấy trang bản trường ca này. Tôi đem về, dán đầy các ô cửa kính. Tiếc là bây giờ thất lạc, không tìm lại được".
Các bạn của Trịnh Công Sơn quả quyết Dã tràng ca là trường ca đầu tiên của Trịnh Công Sơn. Nó ghi nhiều dấu ấn, ảnh hưởng cả cuộc đời sáng tác sau này. Tuy nhiên, cho đến lúc từ giã cõi đời, ông không hề nhắc đến tác phẩm đó. Ông Nguyễn Đắc Xuân đã vào Nha Trang tìm gặp nhạc sĩ Phan Văn Bình - người cùng ở trọ và hoạt động âm nhạc với Trịnh Công Sơn những năm 60. Ông Bình chính là người hát Dã tràng ca rất đạt và năm 1973, chỉ huy sinh viên dựng lại trường ca nhân lễ trao bằng tốt nghiệp của Viện Đại học Cộng đồng Duyên Hải. Nhưng đáng tiếc là Văn Bình cũng không có Dã tràng ca trong tay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồ - một trong những sinh viên của buổi lễ tốt nghiệp ấy - còn giữ được bản nhạc này khi tập hát.
Dã tràng ca như một lời tự sự về chính cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Nguồn cảm hứng sáng tác của ông bắt đầu từ cuốn khảo luận Le Mythe de Sisyphe. Cuốn sách nói về anh chàng Sisyphe bị tù khổ sai, hàng ngày phải đẩy một tảng đá lên núi cao và thả tay cho tảng đá lăn xuống vực, rồi sau đó lại cố sức đẩy lên... Tất cả sự nỗ lực ấy giống như công dã tràng xe cát rồi bị sóng cuốn đi. Hoàn cảnh gia đình Trịnh Công Sơn cũng vậy. Ông bị xô đẩy vào một nỗi bi thảm vô vọng đến rã rời. Giữa lúc ấy, trường sư phạm yêu cầu ông soạn một trường ca đánh dấu lễ tốt nghiệp đầu tiên của trường. Nhạc sĩ không thể từ chối và Dã tràng đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Dã tràng ca chép gần đầy 7 trang A4, gồm hai phần với 13 đoản khúc. Về hình thức, đây là một bài hát thơ dài, thể hiện đầy đủ nhất phong cách âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhuốm màu triết lý về thân phận làm người. Nhạc sĩ Văn Bình nhận xét: "Đây là kho lưu trữ những ưu tư mà ta thường bắt gặp lại trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn, ví như Lời buồn thánh, Đóa hoa vô thường".
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)